Chuyển đến nội dung chính

Tạo Dựng Tương Lai

Nửa thế kỷ phát triển vũ bão thời hậu chiến của Thế chiến thứ Hai thế kỷ 20, nền đại học Hoa Kỳ, tuy ‘sinh sau nở muộn’ so với nền đại học lâu đời của châu Âu, nhưng đã có một sự phát triển “thần thoại” trong lịch sử như chuyện thần thoại Thánh Gióng Việt Nam, cung cấp cho tất cả các khu vực xã hội chuyên gia và lãnh đạo, nó “giáo dục công chúng, trau dồi thị hiếu của người dân, và đóng góp cho sự vững mạnh của quốc gia vì nó nuôi dưỡng và đào luyện từng thế hệ những kiến trúc sư, những họa sĩ, những tác giả, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ sư, nông gia, luật sư, bác sĩ, thi sĩ, khoa học gia, nhà hoạt động xã hội, và những nhà giáo…”.

Nhưng điều muốn nói ở đây là nền đại học Hoa Kỳ đã tạo ra những học giả lỗi lạc về giáo dục đại học. Sẽ khó mà hình dung được sự phát triển đại học Hoa Kỳ nếu không có các vị chủ tịch lãnh đạo này. Đại học Hoa Kỳ có quy mô lớn nhất thế giới, và sức tự trị cũng mạnh mẽ nhất thế giới, cho nên trách nhiệm của các vị chủ tịch lại càng lớn lao và quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi vị chủ tịch đều để lại dấu ấn cho đại học. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách phát triển, tìm tài trợ, đại diện cho tinh thần đại học họ lãnh đạo trước công chúng, và mang nhiều loại trách nhiệm khác trên vai, nhưng đồng thời là những học giả nổi tiếng trong cộng đồng trí thức đại học. Họ có những bài diễn văn, bài viết nổi tiếng lịch sử, và đa số trong họ đều có những tác phẩm có giá trị về giáo dục đại học, ‘phản tư’ về những trải nghiệm và quan sát của họ về những vấn đề giáo dục đại học trong những nhiệm kỳ chủ tịch. Các tác phẩm vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của họ đối với đại học, đồng thời cũng thể hiện trình độ và bản lĩnh lãnh đạo của họ.

Frank H. T. Rhodes (1926 - ) là một trong những vị chủ tịch và học giả như thế. Ông là một nhà địa chất học, giữ chức chủ tịch thứ chín của Đại học Cornell ba nhiệm kỳ liền (1977 - 1995). Rhodes không những được vinh danh trong ngành địa chất học mà còn trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhận được huy chương Bigsby của Hội Địa chất London và huy chương Clark Kerr của Đại học California, Berkeley cho những người được xem là lãnh đạo đại học xuất sắc, đồng thời ông còn nhận được vô số chức danh danh dự khác trong và ngoài nước. Ông cũng được mời làm chiến lược gia phát triển của Kaust, Đại học Vua Abdullah về Khoa học và Công nghệ của Saudi Arabia.

Quyển sách Tạo dựng tương lai của ông được Cornell University Press xuất bản năm 2001, được xem như một ‘viên đá quý’ (Donald Kennedy), bàn về vai trò và sứ mệnh đặc biệt của đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, nó từ đâu đến, hiện đang đứng ở đâu, và đi về đâu. Ông đề cập hàng loạt vấn đề của đại học và liên quan đến đại học, cũng như những nguy cơ đang chờ đợi đại học trong thời đại cách mạng công nghệ thông tin và thời đại thương mại hóa ngày càng tăng với sự tiến bộ kỹ thuật. Vài chục năm nữa, các khuôn viên đại học thực - “brick university” (được xây bằng gạch) - được thay thế bằng các đại học ảo - click university (được xây bằng những cái click) - để trở thành phế tích hết chăng, chỉ còn là những ‘viện bảo tàng’ của một ‘thời oanh liệt’ chăng? Một sự mất mát cộng đồng học thuật sẽ là một tai họa cho nền đại học: “Không có cộng đồng, tri thức chỉ là riêng tư. Một người học cô đơn, nghiên cứu trong sự biệt lập, sẽ có nguy cơ bị rơi vào sự hẹp hòi, chủ nghĩa giáo điều, và sự tự nghĩ không được kiểm chứng. Còn nếu được theo đuổi trong cộng đồng, học thuật sẽ phát triển và đem lại hiểu biết, được thử thách bởi các diễn giải trái chiều, được lên men bởi các trải nghiệm khác và được tinh luyện bằng nhiều quan điểm để lựa chọn.” Rhodes tin chắc vào giá trị không thể thay thế của các đại học trong khuôn viên, nơi tạo ra văn hóa đại học, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo và giáo dục tương lai, nơi gây men thầm lặng và truyền ngọn lửa tri thức cho các thế hệ kế tiếp. Trước những đe dọa và cám dỗ của thế kỷ 21, đại học cần phải thay đổi, điều đó chắc chắn, nhưng thay đổi để ‘hùng mạnh thêm’ và ‘tốt thêm’ chứ không phải để yếu đi hay biến mất, như lời ông nói.

Kỷ yếu Humboldt cảm ơn nhóm dịch giả Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Lê Lưu Diệu Đức đã cho phép trích một số đoạn dưới đây của quyển sách để làm phong phú thêm chủ đề đại học của kỷ yếu. Xin cảm ơn, và cũng xin giới thiệu với bạn đọc tác phẩm rất thú vị và thu hút này mà người đọc sẽ thích thú muốn đọc một hơi thật nhiều như có thể.

Hình ảnh lý tưởng của giáo sư

Viện đại học nghiên cứu đặt những yêu cầu nặng nề lên cá nhân người giảng viên: người đó phải là một nhà khoa học thành công, một học giả có những ý tưởng mới và độc đáo, một người có tinh thần khai phá và chấp nhận mạo hiểm và là người gây quỹ thành công, một tác giả có nhiều công trình xuất bản, một người hướng dẫn hiệu quả đối với các sinh viên sau đại học và chuyên nghiệp, một giảng viên và người cố vấn tạo ra thách thức và truyền cảm hứng cho sinh viên đại học, một người tham gia hữu hiệu vào hoạt động của khoa, một công dân hiểu biết đầy đủ về các vấn đề của các trường và viện đại học, và là một công chức đầy trách nhiệm đóng góp kiến thức chuyên môn sâu sắc của mình vào việc giải quyết những nhu cầu không ngừng của cộng đồng địa phương, của xã hội rộng lớn hơn, và của hội đoàn chuyên nghiệp.

Với danh sách dài dằng dặc những kỳ vọng này, không có gì ngạc nhiên khi người giảng viên, đứng trước thách thức phải “bao” mọi sân, tập trung chú ý nhất vào những lĩnh vực đem lại sự hỗ trợ trực tiếp nhất. Đứng đầu danh sách này là hoạt động nghiên cứu, tìm nguồn tài trợ cho nghiên cứu, và tham gia hội đoàn chuyên nghiệp. Nghiên cứu là cơ sở để được công chúng thừa nhận, để có các khoản tài trợ, và để được các hội đoàn chuyên nghiệp khác nhau tưởng thưởng và công nhận. 

Ngược lại, sự giảng dạy xuất sắc và việc hướng dẫn sinh viên hiệu quả mang tính cách riêng tư hơn, khó đánh giá hơn; ít được công nhận hơn, ít được tôn vinh náo nhiệt hơn. Và việc làm người công dân hữu ích, dù trong hay ngoài môi trường đại học, là ít được tán dương hơn cả. Vậy nên không lấy làm ngạc nhiên khi nhiều người than là giảng viên không còn trung thành với nơi mình làm việc. Nhưng dù có những yêu cầu xung đột nhau khiến người ta dễ bị sao nhãng này, có lẽ điều gây ngạc nhiên hơn cả là rất nhiều người vẫn tiếp tục thể hiện sự tận tâm đối với sinh viên của mình và sự tận tuỵ đối với nhà trường.

Thành công của khoa học

Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất làm suy yếu cộng đồng là sự phát triển của khoa học với các công nghệ đi kèm, không chỉ vì tính chất không thể thâm nhập của các thuật ngữ chuyên môn và tính chất không thể tiếp cận được của một số tiền đề và kết luận của nó, mà còn bởi vì những phương pháp của nó đã được những ngành khác sử dụng rộng rãi, và đôi khi theo một cách thiếu khôn ngoan, khiến cho tầm vóc và phạm vi của những ngành này suy giảm đi.

Trong các trường đại học Hoa Kỳ ở buổi ban đầu, khoa học hầu như không tồn tại. Trong các viện đại học Hoa Kỳ giữa thế kỷ 19, khoa học có một vị trí được tôn trọng, dù còn hạn chế. Ngày nay, cùng với các trường chuyên nghiệp, khoa học tạo ra một ảnh hưởng to lớn lên khuôn viên đại học. Nó đặt ra tốc độ tăng trưởng của viện đại học. Nó cung cấp cơ sở nền tảng cho chương trình học ở hầu hết các chương trình giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật. Nó nhận được rất nhiều những hỗ trợ dành cho nghiên cứu. Và nó đã thay đổi quan niệm của chúng ta về tri thức - nói đúng hơn, nó thay đổi quan niệm của chúng ta về chính đời sống.

Chính khoa học, cả khoa học thuần túy lẫn khoa học ứng dụng, là lĩnh vực mà các viện đại học giờ đây đang đầu tư lớn, xây dựng những cơ sở tốn kém, cấp phép cho các sản phẩm, xây dựng những khu nghiên cứu tập trung và những cơ sở vườn ươm công nghệ, và thường đầu tư nguồn lực vào các dự án công ty. Trọng tâm của các viện đại học Hoa Kỳ ngày nay đã chuyển sang một nền văn hóa dựa vào khoa học vốn đang thâm nhập vào hầu hết mọi ngóc ngách của đời sống đại học.

Sự phát triển của các ngành nghề dựa trên căn bản khoa học đã đòi hỏi điều đó. Từ y khoa đến sản xuất, từ nông nghiệp đến kỹ thuật, các ngành nghề cần có một nền tảng khoa học đã đòi hỏi phải mở rộng đáng kể việc giảng dạy khoa học trong các viện đại học của quốc gia.

Những chính sách quốc gia đã yêu cầu điều đó. Công nghệ quân sự, bảo vệ môi trường, thử nghiệm hạt nhân, dinh dưỡng, sự ô nhiễm bầu khí quyển, dự báo động đất, vấn đề an toàn cho các đường cao tốc, thám hiểm không gian, các nguồn năng lượng thay thế, sản xuất thực phẩm, và nhiều lĩnh vực khác nữa - tất cả đều đặt ra những yêu cầu to lớn đối với khoa học, bắt khoa học vừa phải cung cấp những sinh viên tốt nghiệp được đào tạo tốt vừa phải tạo ra tri thức mới. Mỗi một phần trong cuộc tồn sinh hiện nay của chúng ta đều đã trở nên phụ thuộc vào khoa học nhiều hơn.

Những yêu cầu của đất nước và của các ngành nghề chuyên nghiệp đã làm gia tăng đáng kể mức đầu tư của cả nhà nước lẫn tư nhân cho khoa học, và điều này mang lại những cơ sở vật chất mới, những trang thiết bị được cải tiến, số lượng nhiều hơn các sinh viên theo học các chương trình sau đại học, và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phát triển rộng khắp. Khoa học giờ đây là một nỗ lực to lớn, và việc theo đuổi nó đòi hỏi phải có những cơ sở vật chất ngày càng phức tạp và tốn kém ở các viện đại học, từ những trạm quan sát thiên văn sử dụng sóng vô tuyến tới những máy gia tốc hạt, từ những nông trường thực nghiệm tới những cơ sở bệnh viện phức tạp. Những mối quan hệ đối tác và liên kết mới cũng đã theo đó mà phát triển. Những nhóm nghiên cứu lớn từ hai mươi người trở lên, những dự án quốc tế lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và những cuộc khảo sát thực địa quan trọng, những cuộc thám hiểm, những nỗ lực cứu trợ, và những nhóm cung cấp dịch vụ trên mọi lục địa, kể cả Bắc Cực, cũng đều ra đời nhờ các nguồn tài trợ nghiên cứu không ngừng gia tăng.

Chính việc thừa nhận tầm quan trọng của khoa học đã giúp các viện đại học nhận được sự uỷ nhiệm của quốc gia. Khi Thế chiến thứ Hai sắp đến hồi kết thúc, Tổng thống Roosevelt đã yêu cầu Vannevar Bush, kỹ sư ở MIT và Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Phát triển [của chính quyền liên bang], xem xét cần phải hỗ trợ như thế nào cho khoa học và công nghệ - vốn đã có những đóng góp rất lớn vào thành công của phe Đồng minh trong chiến tranh - để tiếp tục mang lại lợi ích cho công chúng. Bush đề xuất thành lập một cơ quan mà sau này trở thành Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation), một kênh để chính quyền theo đó hỗ trợ nghiên cứu. Ông lập luận rằng, bằng cách làm cho sự hỗ trợ đó mang tính cạnh tranh, và bằng cách dành phần lớn ngân sách cho các viện đại học, mối liên kết giữa giáo dục và nghiên cứu có thể được tăng cường. Ngày nay, tính chất đúng đắn của tiền đề đó đã được khẳng định bởi chất lượng và sức sáng tạo của nền khoa học Hoa Kỳ trong suốt năm mươi năm qua. Quỹ Khoa học Quốc gia, với ngân sách hằng năm hơn 4 tỷ USD, là nơi hỗ trợ chủ yếu cho những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật trong các viện đại học, trong khi Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) hằng năm cung cấp khoảng 21 tỷ USD cho những nghiên cứu trong các ngành khoa học y sinh.

Trong khi những bước phát triển này mở rộng đáng kể sự hiện diện của khoa học trong các khuôn viên đại học, tầm ảnh hưởng của khoa học lại rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta nhìn thấy qua những cơ sở vật chất thực sự hay những công việc nghiên cứu. Có lẽ tác động lớn nhất của khoa học là đối với quan niệm của chúng ta về tri thức; sức ảnh hưởng lớn nhất của nó là đối với nhận thức nằm sâu trong tiềm thức của một số thành viên của cộng đồng đại học. Tôi cho rằng sự ảnh hưởng đó đáng kể hơn cả bởi vì nó vốn không có chủ định và thường không được để ý đến.

Dạy học như một nghệ thuật

Dạy học hiệu quả là điều gì đó cao hơn việc truyền tải thông tin thành công. Nếu không thì băng ghi âm gửi qua bưu điện và các khóa học điện tử đã thay thế giảng viên từ lâu. Dạy học hiệu quả liên quan đến sự tham gia của giảng viên và sinh viên, những thách thức có được trong hoạt động thảo luận nhóm, sự hào hứng trong việc hợp tác nghiên cứu, việc nuôi dưỡng những giá trị và quan điểm. Nói theo thuật ngữ hiện nay, nó vừa liên quan tới nhận thức vừa liên quan tới tình cảm.

Đó là điều xảy ra trong những lớp học kỹ thuật của Mary Sansalone. Đó cũng là điều xảy ra trong những lớp học về lịch sử của Walter LeFeber, giáo sư ngành Lịch sử Hoa Kỳ ở Viện Đại học Cornell. Vào một ngày cách đây không lâu, bên ngoài cửa sổ lớp học của Walter LeFeber, sương mù dày đặc đến nỗi người ta chỉ có thể nhìn thấy hình dáng cây sồi trước mặt khi đứng cách nó chưa đầy một mét và phải nhìn rất chăm chú. Nhưng không có sinh viên nào của LaFeber nhìn ra ngoài cửa sổ. Dường như họ đang bị ám ảnh bởi cuộc trò chuyện trong lớp, vốn thực ra là về thế giới chính trị, lịch sử đang diễn tiến bên ngoài, và trò chính trị “bài Nhật” hợp thời của Mỹ hồi đó.

LaFeber, một sử gia Mỹ với những mối quan tâm trải rộng trên một loạt các vấn đề đương đại - kênh đào Panama vào thập kỷ 1970, vùng Trung Mỹ vào thập kỷ 1980, Nhật Bản, Michael Jordan và chủ nghĩa tư bản toàn cầu vào thập kỷ 1990 - đang ngồi ở đầu bàn, với dáng vẻ của một giáo sư già dặn và hành xử như một chính khách lão thành. Tóc ông đã ngả muối tiêu và bắt đầu rụng. Ông mặc một áo khoác vải tuýt màu xám, một áo sơ-mi kẻ sọc, và chiếc cà-vạt màu xanh lục. Cung cách của ông nghiêm túc: không có vẻ gần gũi, không nhiều lời, mà rộng lượng.

Khi một sinh viên trình bày một bài luận mà sau đó sẽ có tranh luận và bảo vệ trước mười bạn học của mình, LaFeber lắng nghe, một tay chống đầu, tay kia ghi chép. Người sinh viên tuôn ra những dữ liệu, diễn giải, và phân tích - và sau đó là một nhận xét không được chứng minh. LeFeber dẫn dắt vào trọng tâm. Với sự nhã nhặn của một người có thẩm quyền, và không cần phải thực hành đầy đủ thẩm quyền đó để chứng tỏ, ông yêu cầu người sinh viên cho biết những nguồn tài liệu dẫn tới nhận xét đó. Không có gì cả. Nhận xét đó bị loại bỏ. Bài học rất rõ ràng: hoan nghênh việc phân tích lịch sử, nhưng phải có các dữ kiện làm dẫn chứng.

Sau ba mươi lăm năm dạy lịch sử Hoa Kỳ, điều nổi bật nhất về Giáo sư Walter LaFeber là ông chưa hề mất đi chút nào lòng say mê đối với môn học, và ông vẫn coi việc khai mở niềm đam mê tương tự ở sinh viên của mình là một điều đáng ngợi ca. “Đó là điều hay nhất trong dạy học,” ông nói. “Quý vị thấy họ hăng hái trong lớp học. Quý vị thấy họ bắt đầu quan tâm nhiều lên. Và rồi quý vị ngồi đó, tự nghĩ: không biết đây có phải là vị Bộ trưởng Ngoại giao tương lai hay không?”

LaFeber đã chứng kiến một số sinh viên của mình bước vào những chức vụ chính trị quan trọng. Đây là hai người như vậy: Eric Edelman, tốt nghiệp Cornell vào năm 1972, từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới quyền Richard Cheney, và hiện làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Prague; và Thomas J. Downey, tốt nghiệp Cornell vào năm 1970, từng là nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang New York. Cũng là bạn thân của cựu Phó Tổng thống Al Gore, Downey đã gọi điện cho LaFeber để hỏi ý kiến vị giáo sư cũ của mình liệu Gore có nên tranh luận với Ross Perot về NAFTA (Đạo luật Thương mại Tự do Bắc Mỹ) hay không (LaFeber nói nên, Gore tranh luận, và NAFTA đã được thông qua).

Làm thế nào mà LaFeber truyền cảm hứng thành công để sinh viên yêu thích lịch sử tới mức đã bước vào phục vụ trong chính quyền? Câu trả lời nằm trong trải nghiệm của chính ông từ rất sớm khi vật lộn với vấn đề ý nghĩa của môn học. Cuối thập kỷ 1950, LaFeber đang học sau đại học ở Viện Đại học Wisconsin-Madison, nơi vợ ông, Sandra Gould, đang học Anh ngữ. Ông cũng đang sắp sửa bỏ cuộc. Ông nhớ lại lúc đó ông nghĩ rằng học lịch sử thì cũng hay, nhưng ông chẳng thể hiểu tại sao thế giới lại cần thêm một sử gia nữa. Ông nghĩ tới việc quay về quê nhà, Walkerton, tiểu bang Indiana. “Hồi đó tôi là người vị lợi. Tôi nghĩ tôi có thể kiếm được tiền hơn nếu làm việc trong cửa hàng rau quả của cha tôi,” ông nói, “thời gian còn lại thì có thể đọc thêm về lịch sử.”

Nhưng để giúp ông nghĩ cho thấu đáo về quyết định này, LaFeber mời một giáo sư tới căn hộ của mình. Họ trò chuyện cho tới ba giờ sáng, và khi nói chuyện xong, LaFeber tin tưởng rằng lịch sử là một điều gì đó cao hơn, chứ không phải chỉ là một thứ hay ho để nghiên cứu. Ông phát hiện ra rằng lịch sử là thứ mà người ta có thể sử dụng để thay đổi xã hội. “Trước đó tôi không nghĩ tới điều này,” ông nói. “Tôi đã khá thiển cận.”

Không còn vậy nữa. Kể từ đó trở đi, LaFeber đã tìm ra một cách để tạo cho sinh viên có ý thức về quyền năng của lịch sử và cùng họ làm việc theo cách khiến sự tích lũy tri thức và việc dạy học trở thành con đường hai chiều. “Trừ quyển sách đầu tiên, vốn phát triển lên từ luận án của tôi, tất cả những quyển sách tôi đã viết (gần 20 quyển) đều bắt nguồn từ kinh nghiệm dạy học,” ông nói.

“Tôi thấy cách tốt nhất để kiểm chứng một ý tưởng là nói to ra cho sinh viên để xem họ nói gì, họ tiếp nhận nó như thế nào. Điều đó làm cho suy nghĩ của quý vị trở nên rất chính xác và rõ ràng. Quý vị có thể giúp tạo ra hoạt động thảo luận sôi nổi trong lớp học, điều không thể có trong một nhóm tham mưu. Và quý vị có được một tầm nhìn rất khác so với cái nhận được từ những nhà chuyên nghiệp mệt mỏi,” ông nói thêm.

Thế nhưng LaFeber cũng đối xử với sinh viên như những nhà chuyên nghiệp. Ông đưa ra cho họ một chủ đề, nói họ đọc mọi thứ có thể về chủ đề đó, yêu cầu họ rà soát lại các báo cáo của mình trước khi trình bày trước lớp, sau đó để họ tự do thảo luận với nhau. Ông nói, “Với các sinh viên Cornell thì có mà khùng nếu không để họ làm kiểu như vậy.”

Không phải giáo sư nào cũng mô tả kỹ thuật dạy của mình là con đường hai chiều. Nhưng đó chính là phong cách của những vị giáo sư giỏi nhất, những người tích cực dấn thân vào nghiên cứu hay học thuật, ở những viện đại học xuất sắc nhất. Nó phản ánh sự khác nhau giữa giảng dạy, vốn chỉ giới hạn ở việc truyền tải tri thức, và giáo dục, vốn dĩ là việc chỉ ra những khả năng vốn có của sinh viên, đưa sinh viên trở thành đối tác trong công cuộc khám phá và phát kiến. Và cách đó tôn trọng khả năng tiềm tàng của sinh viên trong việc trải nghiệm những điều lớn lao hơn. Đó chính là điểm đặc thù của các viện đại học nghiên cứu xuất sắc nhất.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,