Chuyển đến nội dung chính

Hoạt động nghiên cứu ở viện đại học

"Cam kết của Hoa Kỳ đối với hoạt động nghiên cứu ở viện đại học

Các viện đại học nghiên cứu đã tỏ ra là môi trường thực sự hữu ích cho công việc sáng tạo đến mức thật dễ dàng quên mất rằng nó không phải lúc nào cũng là một đặc điểm của giáo dục đại học Hoa Kỳ. Các trường đại học thuộc địa, bao gồm Harvard, William & Mary, Columbia, Princeton, và Yale, ban đầu được sáng lập như là những cơ sở giảng dạy cho những đối tượng có chọn lọc. Vào thế kỷ 19, khi đất nước điều chỉnh theo những nhu cầu của một quốc gia độc lập, các viện đại học thu nhận nhiều thành viên hơn và mở mang quy mô. Nhưng ngoại trừ các cơ sở giáo dục được chính quyền liên bang cấp đất, thành lập theo Đạo luật Morrill 1862, vốn có thêm một số trách nhiệm nghiên cứu nông nghiệp và hướng ra công chúng, các viện đại học chủ yếu vẫn là các cơ sở giảng dạy trong suốt 75 năm đầu của thế kỷ 19.

Điều đó nhanh chóng thay đổi với việc thành lập Viện Đại học Johns Hopkins vào năm 1876. Lấy phần lớn từ mô hình các viện đại học Đức, vốn nhấn mạnh đến nghiên cứu, viện trưởng đầu tiên của Hopkins, Daniel Coit Gilman, quy tụ một tập thể giảng viên gồm các học giả được tuyển chọn chủ yếu dựa trên khả năng truy vấn độc lập của họ, thực hiện công việc trên diễn đàn sôi động của viện đại học. Tôi tin là khi nhấn mạnh đến cả hai yếu tố truy vấn độc lập và tính cộng đồng, Gilman đã xác định được bí mật của viện đại học nghiên cứu: cộng đồng, sự truy vấn, và tính phóng khoáng.

Cách tiếp cận của Johns Hopkins, với việc nhấn mạnh đến hoạt động học thuật, vẫn còn là cách tiếp cận phổ biến nhất trong các viện đại học nghiên cứu Hoa Kỳ ngày nay, được minh chứng qua những thành tựu của vô số giảng viên và của những sinh viên mà họ đã đào tạo. Chẳng hạn, không chỉ chiếm đại đa số những người được giải Nobel trên toàn thế giới, với các nghiên cứu đoạt giải được thực hiện trong các viện đại học Hoa Kỳ, một số lượng đáng kể những người đoạt giải đã từng thực hiện nghiên cứu với tiền bối được giải Nobel trong thời gian đầu của sự nghiệp.

Giá trị của nghiên cứu cơ bản thực hiện trong các viện đại học của chúng ta được phản ánh qua mức độ theo đó nghiên cứu cơ bản được chính quyền liên bang khuyến khích và hỗ trợ, đặc biệt trong những năm kể từ Thế chiến thứ Hai. Nhận thấy những đóng góp mà các nhà khoa học trong các viện đại học đã mang lại cho chiến thắng của phe Đồng minh - công việc bắt đầu vào thời điểm chuyển giao thế kỷ với những hiểu biết sâu sắc mới về những định luật vật lý, bao gồm việc phát triển kỹ thuật ra-đa và chiếc máy tính đầu tiên, và đạt đến đỉnh cao với Dự án Manhattan chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên - Tổng thống Franklin D. Roosevelt yêu cầu Vannevar Bush, một giảng viên lâu năm ở MIT, cựu chủ tịch của Viện Carnegie (Carnegie Institution), và lúc đó là giám đốc của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Phát triển (cơ quan liên bang có chức năng điều phối hoạt động khoa học trong thời chiến), đề xuất những cách thức theo đó sức mạnh của khoa học có thể được khai thác nhằm đem lại lợi ích cho quốc gia trong thời bình.

Trong báo cáo của mình, Science - The Endless Frontier (Khoa học - Biên giới vô tận, 1945), Bush viết “tiến bộ khoa học là chìa khóa quan trọng cho vấn đề an ninh quốc gia, cải thiện sức khoẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, cải thiện mức sống, và cho sự tiến bộ văn hóa của chúng ta… Không có tiến bộ khoa học thì không có sự thành tựu nào trong các lĩnh vực khác có thể đảm bảo sức khoẻ, sự thịnh vượng, và an ninh cho một quốc gia trong thế giới hiện đại.” Ông cho rằng “cách đơn giản và hiệu quả nhất mà một chính phủ có thể đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong công nghiệp là hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và phát triển tài năng khoa học.” Đánh giá của ông đặt nền tảng cho việc thành lập Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) và cho một khoản đầu tư lớn của chính quyền liên bang dành cho nghiên cứu cơ bản trong các trường và viện đại học Hoa Kỳ. Bởi vì chính phủ chấp nhận mục tiêu kép mà Vannevar Bush xác định cho hoạt động nghiên cứu trong các viện đại học - phát hiện kiến thức mới và phát triển tài năng mới - chính phủ sẵn sàng chi trả không chỉ những chi phí trực tiếp của công việc (như là sinh viên sau đại học làm trợ lý nghiên cứu, các trang thiết bị quan trọng như kính viễn vọng và các tàu thăm dò hải dương học và trang thiết bị phòng thí nghiệm) mà còn chi trả một phần các chi phí gián tiếp (như thư viện và chi phí bảo trì và vận hành các tòa nhà nghiên cứu).

Tại sao một ý tưởng cách đây 120 năm có tác dụng

Dĩ nhiên không phải dự án nghiên cứu cơ bản nào cũng đưa đến bước đột phá quan trọng, thậm chí trong khoảng thời gian một thế hệ, hay lâu hơn, kể từ khi dự án bắt đầu. Về bản chất, nghiên cứu cơ bản vừa mang tính rủi ro cao vừa có khả năng mang lại thành quả lớn. Nhưng mô hình nghiên cứu cơ bản, phần lớn được thực hiện trong các viện đại học, mang lại những khám phá và những phát minh có thể áp dụng rộng rãi và thậm chí mang lại những chuyển dịch mô thức đã dẫn đến những ứng dụng sâu sắc về mặt thương mại, là mô hình đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Nghiên cứu không bảo đảm mang lại thành công về mặt kinh tế; điều đó đòi hỏi các công ty phải có khả năng nắm bắt và thương mại hóa các kết quả. Nhưng nghiên cứu là một yêu cầu tất yếu để có được thành công kinh tế.

Tuy vậy những ích lợi của nghiên cứu cơ bản hiếm khi có thể lường trước được. Có một câu chuyện kể về Michael Faraday, người có lẽ là nhà khoa học thực nghiệm vĩ đại nhất của mọi thời. Sau khi Faraday trình bày xong khám phá mới nhất của ông, hiệu ứng cảm ứng điện từ - cơ sở cho việc chế tạo máy phát điện, cho Thủ tướng [Anh] Benjamin Disraeli nghe thì được hỏi khám phá đó sử dụng để làm gì. “Hữu dụng như trường hợp một em bé sơ sinh,” người ta kể là ông đã đáp như vậy (Có một phiên bản khác của câu chuyện này trong đó Faraday được cho là đã trả lời, “Một ngày nào đó, thưa ngài, ngài có thể đánh thuế công trình này.”). Nhiều năm sau, một vị thủ tướng khác của nước Anh, Margaret Thatcher, cho rằng phát minh của Faraday đã mang lại lợi nhuận nhiều hơn cả toàn bộ số vốn giao dịch ở Sàn Giao dịch Chứng khoán London. Như đã nói, không có phát minh nào vô ích, chỉ có những phát minh mà sự hữu ích của chúng chưa được khám phá.

Không ai nghĩ rằng tất cả nghiên cứu thực hiện trong viện đại học đều có chất lượng như nhau, hay mọi kết quả được công bố đều có tầm quan trọng giống nhau. Không ai cho rằng mọi khám phá đều sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống hay mọi tác phẩm học thuật đều góp phần đáng kể vào sự phong phú của nền văn hóa chúng ta. Trong chừng mực mà tôi biết, cũng không ai quả quyết rằng tất cả giảng viên, trong mọi giai đoạn của sự nghiệp mình, đều có năng suất sáng tạo như khả năng họ cho phép, cho dù năng suất đó được định nghĩa như thế nào. Điều tôi muốn nói ở đây, sau khi xem xét công bằng, sự đầu tư khổng lồ này là việc làm khôn ngoan và mang lại lợi nhuận, ích lợi sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra, cả ở kết quả trực tiếp cũng như lợi ích gián tiếp - giá trị giáo dục mà những sinh viên có liên quan đến hoạt động nghiên cứu nhận được.

Vì lý do này, nghiên cứu trong viện đại học được hỗ trợ rộng rãi, không chỉ bằng những ngân khoản từ chính các viện đại học, mà còn từ tất cả các cơ quan chủ chốt của chính quyền liên bang, chính quyền tiểu bang, các doanh nghiệp với một mức độ đáng kể, quỹ hỗ trợ, bệnh viện, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện, cơ quan công cộng, nhóm hoạt động nghệ thuật, quỹ từ thiện, và cá nhân các nhà hảo tâm, nhà đầu tư, và khách hàng. Mô thức hỗ trợ rộng rãi từ bên ngoài này đã tồn tại hơn bốn mươi năm. Nó thể hiện sự nhất trí tin tưởng từ một cộng đồng rộng lớn gồm những người ủng hộ cảm thấy hài lòng với thành quả nghiên cứu của các viện đại học.

Quy mô của nguồn tài trợ từ bên ngoài này rất lớn. Chẳng hạn, trong năm 1998, ước tính 26,3 tỷ USD đã được sử dụng cho nghiên cứu và phát triển ở các trường và viện đại học của Hoa Kỳ. Khoảng 15,6 tỷ USD do chính quyền liên bang cấp, khoảng 4,9 tỷ USD do chính các cơ sở giáo dục cấp, 2,1 tỷ USD từ các chính quyền tiểu bang và địa phương, 1,8 tỷ USD từ các doanh nghiệp, và 1,8 tỷ USD từ các nguồn khác. Trong tổng số đó, ước tính 67% tập trung vào nghiên cứu cơ bản, 25% cho nghiên cứu ứng dụng, và 8% cho phát triển. Các viện đại học tiếp tục thực hiện hơn 50% tổng số những nghiên cứu cơ bản ở Hoa Kỳ. Ngân sách hỗ trợ của chính quyền liên bang, trong tổng ngân sách dành cho nghiên cứu trong các trường và viện đại học Hoa Kỳ, đã giảm từ 65% vào đầu thập kỷ 1980 xuống còn 60% vào năm 1997, tập trung vào ba cơ quan: Viện Y tế Quốc gia (57%), Quỹ Khoa học Quốc gia (15%) và Bộ Quốc phòng (10%). Khoảng 217.500 kỹ sư và nhà khoa học có học vị tiến sĩ được tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực học thuật.

[…]

Nguyên Phó Tổng thống Al Gore đã diễn tả rất rõ niềm tin ngày một lớn hơn của Hoa Kỳ vào sức mạnh của khoa học. Phát biểu với Hiệp hội vì Sự tiến bộ của Khoa học vào năm 1996, ông cho rằng trong phần lớn thời gian của thế kỷ này “người dân Hoa Kỳ đã hưởng lợi từ một chu trình phản hồi - chu trình của khoa học và thành công. Khi quốc gia thịnh vượng, một phần của sự thịnh vượng đó được đầu tư vào nghiên cứu, khoa học và công nghệ. Những khoản đầu tư đó giúp trả lời những câu hỏi dường như có thể trả lời được - và rốt cuộc tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn, sau đó lại được đầu tư vào nhiều nghiên cứu hơn. Cứ thế quá trình này tiếp diễn. Trong chu trình phản hồi này - khởi đầu với sự đồng thuận của cả hai bên - sự thịnh vượng đem đến đầu tư, đầu tư mang lại câu trả lời, và câu trả lời đem lại sự thịnh vượng cho tương lai.”

Văn hóa sáng tạo: Viện đại học như là vườn ươm

Không ai chỉ đạo Watson, Crick, và Berg thực hiện công trình mà sau này phát triển lên thành ngành công nghệ sinh học. Không ai thấy trước được, hay có thể dự báo được, các kết quả đó. Những điều này xảy ra bởi vì có các viện đại học ở quốc gia này và ở những nơi khác xem nghiên cứu vừa là một lời kêu gọi của tri thức vừa là sự tín thác của công chúng. Nghiên cứu mở đường có ý nghĩa vượt ra ngoài những vấn đề mang tính kỹ thuật. Để thành công được, nó phụ thuộc vào tính sáng tạo của cá nhân và phụ thuộc vào những điều kiện cho phép nó phát triển. Một nghiên cứu tốt có thể diễn ra trong nhiều khung cảnh, nhưng các viện đại học dường như có những đặc tính cho thấy là chúng đặc biệt thích hợp trong việc thúc đẩy loại công việc này.

Sự hiện diện của những học giả nổi bật nhất thế giới trong một cộng đồng tương tác đưa ra một chuẩn mực ngầm mang tính thách đố, khơi dậy sự khao khát chinh phục ở những người khác trong cộng đồng. Có cả một trời khác biệt giữa những điều tốt nhất và những gì tốt thứ nhì và đáng giá trong tất cả các nghiên cứu và học thuật, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Một dòng chảy hẹp gồm những tài năng xuất sắc trong hầu hết các lĩnh vực đổ vào các viện đại học nghiên cứu, và chuẩn mực về sự xuất sắc được củng cố bởi sự hiện diện của những tài năng đó.

Quyền tự do cho phép những học giả giỏi nhất trong lĩnh vực của họ theo đuổi các ý tưởng đem lại sức sống mãnh liệt và sự mới mẻ, độc đáo cho cộng đồng viện đại học. Nghiên cứu trong các viện đại học không được quản lý và không được chỉ đạo bởi lẽ những nỗ lực quản lý có nhiều khả năng phản tác dụng, xét về lâu dài. Rốt cuộc, những cá nhân, không phải là những uỷ ban - dù là uỷ ban của quốc hội, giới doanh nghiệp, hay giới học thuật - mới chính là những người phát triển những ý tưởng sáng tạo và những hiểu biết sâu sắc mới. “Nghiên cứu dưới sự quản lý” là một cụm từ mâu thuẫn. Chính những cá nhân, thường không theo trí khôn thông thường, thường không theo những cách tiếp cận đã được thừa nhận, là người sẽ mang lại những phát kiến sáng tạo nhất. Viện đại học là nơi luôn chào đón sự khác biệt. Giảng viên thường là những người có cách nghĩ khác người.

Các viện đại học thúc đẩy khả năng tiếp nhận thông tin mới, sự cởi mở đối với những ý tưởng mới, một môi trường chào đón những con người mới và những quan điểm khác nhau, và sự sẵn lòng đón nhận sự hiểu biết mới. Sự cởi mở này xuất phát từ niềm tin sâu sắc rằng tri thức có thể được phát triển và gia tăng chỉ trong chừng mực nó được tự do để xây dựng trên công trình của những người khác và, đến lượt nó, phải chịu sự xem xét và phê bình của những người này. Không một viện đại học Hoa Kỳ nào, theo như tôi biết, đồng ý nhận hỗ trợ để thực hiện các nghiên cứu trong bí mật hay những nghiên cứu mà kết quả của chúng không được phổ biến; không có nơi nào, theo như tôi biết, cấm công bố các kết quả nghiên cứu, ngoại trừ một vài trường hợp theo đó việc công bố bị trì hoãn một hoặc hai tháng nhằm đáp ứng quyền ưu tiên tiếp cận thông tin của nhà tài trợ. Tính cởi mở này có từ thuở ban đầu của các viện đại học, và dù đôi khi bị những người chỉ trích cả bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên đại học thách thức, nó vẫn thuộc về vấn đề niềm tin. Một vài năm trước đây, khi chính quyền liên bang tìm cách hạn chế một số sinh viên nước ngoài sử dụng các cơ sở siêu máy tính, các viện đại học đã đấu tranh mạnh mẽ và đã thành công trong việc đảm bảo có sự cởi mở. Lý do không phải nằm ở chỗ thiếu lòng trung thành, mà ở niềm tin rằng tinh thần truy vấn mà nghiên cứu dựa vào sẽ không thể phát triển được sau cánh cửa bị khóa chặt. Chỉ bằng cách chia sẻ, thông qua tiếp xúc cá nhân lẫn qua việc công bố chính thức, thì kiến thức mới có thể được thách thức, kiểm nghiệm, và đưa vào sử dụng một cách đầy đủ. Và kể từ khi công chúng dành sự hỗ trợ tối đa cho hoạt động nghiên cứu và truy vấn trong các viện đại học, cũng hợp lý khi công chúng phải được quyền tiếp cận toàn bộ kết quả nghiên cứu của các viện đại học.

Các viện đại học cung cấp tài nguyên và cơ sở vật chất ở quy mô lớn. Các viện đại học cung cấp khả năng tiếp cận sử dụng các cơ sở vật chất có quy mô và chất lượng không ai sánh kịp trong mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại. Một phòng thí nghiệm như của Bell Labs hay của GE Labs có vô cùng đầy đủ các tạp chí kỹ thuật và các trang thiết bị khoa học. Một viện đại học có tất cả những thứ đó, cộng với những cơ sở vật chất có thể so sánh được với nhiều lĩnh vực khác, từ y khoa cho đến lịch sử nghệ thuật. Thậm chí trong thời đại phân tích và truy hồi điện tử, tính cách tập trung và phạm vi rộng của những tài nguyên như thế này là độc nhất vô nhị. Thư viện của Harvard đặt mua khoảng 91.000 tạp chí đang phát hành. Có nghĩa là trung bình một sinh viên có 4,5 tạp chí, mỗi giảng viên có 44 tạp chí. Hầu hết các viện đại học nghiên cứu khác đặt mua tối thiểu khoảng 50.000 tạp chí như vậy. Việc đăng ký sử dụng này tốn kém, nhưng lại thiết yếu trong một thế giới mà sự thay đổi diễn ra sâu rộng, theo đó kiến thức trong một lĩnh vực có thể có tầm quan trọng lớn lao đối với các lĩnh vực khác.

Một sự pha trộn đáng kể giữa tinh thần đồng sự và tính cá nhân đã gắn kết các thành viên của viện đại học trong một sứ mệnh chung và khiến họ có thể tiếp nhận những mối quan tâm chung, thậm chí ngay cả khi họ theo đuổi những mục tiêu cá nhân. Tinh thần đồng sự này không rộng mở như mức độ mà nó có thể hay nên có, tuy vậy nó có thực, và đó là một nét đặc thù của các viện đại học. Cũng vì vậy, sự độc lập đầy nhiệt tình và tính cá nhân, và việc kết hợp những phẩm chất này lại với nhau không chỉ đơn thuần là làm thành tổng số những khả năng của cá nhân thành viên gộp lại.

Sự “thụ phấn chéo” giữa các ngành học bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu là một phần của cộng đồng viện đại học, vừa là thành viên của một lĩnh vực chuyên môn đơn lẻ. Không có một tổ chức nào khác có thể so sánh được với viện đại học xét về phạm vi rộng lớn của những mối quan tâm mang tính học thuật. Một tổ chức với các chuyên gia từ những lĩnh vực khác, cả những lĩnh vực có liên quan và không liên quan, thường có thể cho những cái nhìn sâu sắc thiết yếu và giúp đề xuất những ứng dụng đầy sáng tạo. Thậm chí sự cạnh tranh và mối căng thẳng giữa họ vào lúc này hay lúc khác có thể mang lại kết quả tích cực. Điều này sẽ tăng lên khi thành phần thành viên của cộng đồng mang tính quốc tế. Sự “thụ phấn chéo” cũng không bị giới hạn trong những lĩnh vực gần gũi với nhau. Charles Darwin và Alfred Russel Wallace mỗi người đã độc lập phát triển lý thuyết của mình về tiến hóa qua quá trình chọn lọc tự nhiên bằng cách đọc một quyển sách không phải về sinh học mà là về dân số con người do một tu sĩ người Anh, Thomas Malthus, viết. Khả năng tình cờ phát hiện là nhân tố chính trong việc phát kiến, và mặc dù nó có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào, viện đại học là một môi trường văn hóa màu mỡ đặc biệt cho công việc này.

Các quan hệ đối tác quốc tế và giữa các thế hệ với nhau, với sự tham gia của giảng viên và sinh viên, cả sinh viên sau đại học lẫn sinh viên đại học, thường đem lại những hiểu biết sâu sắc khó lường về một vấn đề cụ thể nào đó và khuyến khích việc khảo sát nghiêm ngặt các ý tưởng và giải thích thấu đáo các kết quả. Đối với sinh viên đại học, những gì đã được thiết lập phải bị chất vấn; không có gì là bất khả xâm phạm. Đối với sinh viên sau đại học, không có giả thuyết nào mà không bị kiểm tra. Xóa bỏ thánh tượng là việc làm đáng được tôn vinh. Một cách tiếp cận như vậy đối với giáo dục đem lại lợi ích không chỉ đối với các nhà nghiên cứu - trong hiện tại và trong tương lai - mà còn đối với tất cả những ai, những người đã trưởng thành, sẽ gánh vác trách nhiệm công dân. Cũng vậy, sự hiện diện của những sinh viên muốn dỡ bỏ những nếp cũ sẽ đặt ra yêu cầu đối với các nhà nghiên cứu-giảng viên, không chỉ phải giải thích những giả định của họ mà còn tiếp tục giải thích những kết luận của họ; đây là động lực thường xuyên giúp người ta hiểu sâu hơn.

Trên thực tế, những mối liên kết này có tác dụng rất tuyệt vời đối với các sinh viên sau đại học và sinh viên chuyên nghiệp, nhưng ít thường xuyên và ít hữu ích hơn mức mà chúng lẽ ra phải có đối với sinh viên đại học. Đối với sinh viên đại học, giáo sư là người thường giảng những bài giảng và rồi biến mất vào một thực tại khác có tên là nghiên cứu. Như một nhà bình luận nhận thấy gần đây, bất kể những ý định tốt, bất kể những lời nói suông về sự tương tác giữa nghiên cứu và giảng dạy, ở nhiều cơ sở giáo dục, các giáo sư và sinh viên đại học tuy có sự gần gũi về mặt địa lý nhưng không có mối liên hệ. Họ như những người láng giềng trong một toà nhà chung cư khổng lồ, những người không nói chuyện với nhau. Việc họ cùng im lặng và tự cô lập không phải là kết quả của những bất đồng hay tranh cãi, bởi vì họ chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ nhận thấy nhau sau một cái gật đầu vội vã và câu “Xin chào!” buông ra hời hợt. Họ có quá nhiều mối bận tâm, quá bận rộn, với những sở thích, đồng nghiệp, và bạn bè những nơi khác. Đơn giản là họ không có liên hệ với những người láng giềng; sự chú tâm thật sự của họ là ở nơi khác; cộng đồng thật sự của họ là những người khác. Đó là một bi kịch, đối với những nhà nghiên cứu cũng như đối với những sinh viên đại học, bởi vì mỗi bên có rất nhiều điều có thể mang lại cho nhau. Các viện đại học cần phát triển thêm những sáng kiến nhằm khuyến khích sự kết nối giữa hai bên, phá vỡ bức tường, được dựng lên một cách vô tình, vốn thường xuyên chia cách thế giới nghiên cứu của giảng viên và thế giới trải nghiệm của sinh viên đại học (tr. 427-434).

Nghiên cứu như một sự tín thác của công chúng

Trong chương này tôi đã lập luận rằng viện đại học cung cấp một môi trường thuận lợi độc nhất vô nhị cho sự truy vấn của sinh viên và vườn ươm có những thành công rõ ràng đối với nghiên cứu và phát kiến. Tính độc nhất vô nhị của nó nằm ở những mối quan tâm đa dạng, ở tài năng chuyên môn vuợt trội, ở nhiều quan điểm khác nhau, và sự thành công của nó phản ánh không khí tự do truy vấn không bị gò bó và quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Tuy vậy nó vẫn là một cái cây yếu ớt cần được chăm bón cẩn thận, và việc nuôi dưỡng nó bao gồm việc thừa nhận những nghịch lý.

  • Nghiên cứu cần có quyền tự do và độc lập trong việc tìm hiểu nhưng nó cũng thể hiện bổn phận đối với xã hội và lòng tín thác của công chúng.
  • Nghiên cứu phát sinh từ sự tò mò cá nhân nhưng nó phụ thuộc vào sự hỗ trợ của công chúng.
  • Nghiên cứu liên quan đến những phát kiến riêng tư, nhưng nó mang lại tri thức chung.
  • Nghiên cứu đòi hỏi sự hiểu biết cá nhân nhưng nó mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
  • Nghiên cứu mang lại kiến thức cơ bản nhưng nó tạo ra những ứng dụng thực tế.

Sự cân đối giữa tính độc lập và trách nhiệm của cá nhân các nhà nghiên cứu và sự hỗ trợ và quan tâm của công chúng nói chung tùy thuộc vào cái khế ước xã hội bất thành văn vốn đã phục vụ tốt đẹp đất nước chúng ta [Hoa Kỳ]. Trong hơn một nửa thế kỷ, sự hỗ trợ nhận được nhờ mức độ đồng thuận cao trong quốc hội thể hiện sự công nhận lợi ích của khế ước đó và “chu trình phản hồi” của đầu tư công cộng vào nghiên cứu và sự phát kiến, ứng dụng, tạo ra sự thịnh vượng, và sự đầu tư trở lại mà nó hỗ trợ. Trong chu trình này, nghiên cứu là hạt giống để thu hoạch những lợi ích. Nó là một chu trình mà chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ, bởi vì sự vững mạnh và an ninh của đất nước tuỳ thuộc vào nó (tr. 434-435)."

Tạo Dựng Tương Lai (Frank H. T. Rhodes),Nhà xuất bản Tri Thức  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,