(TBKTSG) - Nếu xã hội là một đàn chim én đang bay thì tốc độ bay của cả đàn không phải theo con chim đầu đàn, mà chính là con chim cuối đàn. Xã hội không phát triển theo bước tiến của những người thành đạt nhất mà chỉ tiến bộ theo nhịp của thành phần nghèo khó nhất.
Cả xã hội nên đợi và giúp thành phần nghèo khó nhất cùng đi, cùng tiến. Vì nếu đàn én đi chậm, mùa xuân khó trở lại!
Luật pháp và thói quen
Tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, vỉa hè là “đất sống” của hàng trăm ngàn người bán hàng rong và nhiều thứ khác. Có thể thấy hoạt động kinh tế diễn ra trên vỉa hè sôi động đến mức chức năng chính của vỉa hè là phục vụ người bộ hành bị ảnh hưởng.
Hiện tượng buôn bán trên vỉa hè buộc chúng ta phải nghĩ gì và làm gì? Nếu thấy là tốt thì phải làm gì để mở rộng thêm? Nếu thấy là không tốt thì phải nghĩ đến việc cải thiện, thay đổi hoặc cấm hoàn toàn?
Hẳn kinh tế vỉa hè có một chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế đô thị TPHCM. Có thể nói, nếu không có kinh tế vỉa hè, TPHCM sẽ không phát triển được như ngày hôm nay. Nói một cách khác, cần nhìn kinh tế vỉa hè một cách khách quan hơn nữa, năng động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa!
Nhưng làm gì cũng phải căn cứ vào luật pháp, và trong trường hợp của hàng rong thì luật pháp rất rõ ràng: cấm. Tuy nhiên, đây cũng chung trường hợp với rất nhiều tệ đoan khác. Cấm vẫn làm, làm vẫn ít khi bị phạt, thành thử lâu lâu có người bị phạt cảm thấy bị oan (vì nghĩ rằng không ai bị phạt suốt năm tại sao mình lại bị phạt).
Trên lý thuyết, khi có tai nạn xảy ra trên vỉa hè do hàng bán rong (hay vì vỉa hè biến thành bãi đậu xe), người bị tai nạn có thể kiện cả người buôn bán lẫn Nhà nước. Tại các nước phát triển, hình phạt đôi khi rất nặng, nhất là trong trường hợp trẻ em bị tai nạn trên vỉa hè khi đi tới trường. Nhưng những gì diễn ra tại các đô thị trong nước thì không phải như vậy!
Hàng rong còn gây ra ô nhiễm không kém: không ai không dẫm phải xương gà, vịt, cọng bún, cọng rau, mẩu báo gói hàng... vất lổn nhổn trên lề đường. Và hiện tượng xe gắn máy “chiếm” vỉa hè (cả đậu và lưu thông) còn nguy hiểm hơn hàng rong. Không thể chối cãi, nền kinh tế vỉa hè không thể tiếp tục mãi dưới hình thức hiện tại được.
Thế nhưng, ngay trên mặt môi trường địa ốc, chỗ nào có buôn bán tấp nập là chỗ dễ mua bán nhà. Và có nhiều khu biệt thự còn mong có hàng rong tới ngay trước cửa, ít nhất là buổi sáng, để rộng đường lựa chọn món ăn sáng.
Trong mọi trường hợp, luật pháp rất rõ ràng. Vậy trong trường hợp vỉa hè, đã có luật tại sao lại còn bàn cãi thêm? Đó là vì luật pháp không thể chấp hành được, một là vì có hàng triệu trường hợp vi phạm hàng ngày; hai là vì luật không đi đôi với cuộc sống người dân - không thực tế; ba là vì nền kinh tế đô thị sẽ suy giảm ngay nếu chấp hành; và bốn là vì nếu chấp hành sẽ gây rối thêm trong xã hội, người làm luật sẽ mang tiếng làm luật để bắt nạt kẻ nghèo.
Vỉa hè và hàng rong
Một trong những lý do chính có hàng rong là vì mướn cửa tiệm là điều không thể cho số đông người buôn bán (phần cung). Ai chẳng muốn có tiệm bán. Tuy nhiên, một căn nhà mặt tiền dù rất nhỏ trong thành phố có giá mướn rất cao, đôi khi còn cao hơn cả tổng số khả năng thu hàng tháng. Ngoài ra, thị trường cho mướn nhà làm cho hợp đồng rất phù du, bình thường là hai năm, nếu không muốn nói là một năm. Không ai muốn phải di dời cửa tiệm mỗi hai năm cả.
Đến người mua hàng rong (phần cầu) cũng rất cần hàng rong. Ngân sách một gia đình trung bình trong thành phố không cho phép số đông ăn sáng hoặc ăn trưa đều đặn ở trong tiệm, đó là chưa kể tới cuộc sống mới tất tưởi rất cần ăn nhanh chóng rồi chạy cuốn theo công ăn việc làm.
Nói tóm lại, cả cung lẫn cầu đều cần vỉa hè. Và một khi nhận định rằng không thể nào xóa bỏ kinh tế vỉa hè thì thiết tưởng phải nghĩ tới việc cho nền kinh tế này một nơi tạm gọi là để dung thân.
Một số đô thị tại các nước láng giềng Việt Nam đã có những biện pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế vỉa hè và chúng ta nên suy ngẫm. Các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... đều có kinh tế vỉa hè.
Tại Singapore, họ đã tạo ra một số nơi như food-court hay food center (một dạng trung tâm ẩm thực), rải rác trên lãnh thổ đô thị. Ở những nơi đó, các quầy được tụ tập, tiền mướn quầy rất phải chăng, bãi đậu xe rộng rãi, nhưng đáng chú ý nhất là các quầy đều được kiểm soát vệ sinh thật chặt chẽ, nước lọc từ ống nước, nước thải và rác rắn được quản lý khoa học, thậm chí đĩa chén dùng rồi cũng có một công ty chuyên môn rửa và phơi khô trước khi dùng lại. Các bàn ăn xong được một công ty riêng biệt dọn bàn ngay. Điều tuyệt vời là các bữa cơm không đắt hơn trước. Khi thấy rất nhiều ô tô cao cấp đậu tại những food center này chúng ta hiểu được sự thành công rộng rãi của nó.
Tại Malaysia và Thái Lan cũng vậy, các food-court ngày càng nhiều. Phải nói rằng, thể thức tổ chức này thành công đến nỗi ngày nay, tại các nơi này, họ còn xây thêm các food center cao cấp, như The Pavillion tại Kuala Lumpur. Giá biểu đắt gấp rưỡi nhưng bàn ghế ngồi thoải mái tươm tất, có máy lạnh. Sự thành công của food center, giống như kinh tế vỉa hè tại Việt Nam không chối cãi được.
Điều đó chứng tỏ mô hình hàng rong, dưới hình thức này hay hình thức khác, là một sinh hoạt kinh tế quan trọng, phải lấy cung đáp lại cầu. Tại các nước láng giềng hàng rong đóng một vai trò quan trọng, nhưng tại TPHCM thì hơn thế nữa, phải gọi là then chốt.
Xe gắn máy và vỉa hè
Phải nói rằng, nếu không có vỉa hè để đậu xe gắn máy, thì kinh tế TPHCM sẽ giảm đi rất nhiều. Động cơ của thương mại là khả năng di chuyển, phần lớn là xe gắn máy, và tất nhiên cũng dựa vào khả năng đậu và gửi xe. Đó là phần cầu. Về phần cung việc giữ xe đã trở thành một công nghiệp. Không có ngành này trong kinh tế đô thị thì rất đông thành phần sẽ thiếu hụt chi tiêu hàng tháng, thậm chí nhiều gia đình có cửa hàng rồi, vẫn nhận luôn việc giữ xe thêm, cốt sao tròn được việc chi tiêu trong nhà.
Tuy nhiên, trên nhiều vỉa hè trong đô thị TPHCM, vỉa hè đã được tận dụng vào việc đậu xe gắn máy đến độ không còn chỗ cho người bộ hành. Phải nhận xét vô tư rằng, có nhiều cửa tiệm dùng vỉa hè cho khách đậu xe một cách tự nhiên, gần như coi đó là quyền đương nhiên của họ. Việc này cho thấy rõ là ngay trong việc vỉa hè bị cấm trên lý thuyết, thì cũng có sự bất công trong khai thác vỉa hè! Có nơi được ưu đãi, như những cửa tiệm lớn, thản nhiên hoạt động, có nơi vừa làm vừa sợ sệt như tất cả những hàng rong ăn uống. Rõ ràng xã hội chúng ta còn thiên vị người giàu và bất công với người nghèo ngay cả trong việc xử lý những bất hợp lệ trên vỉa hè.
Và cũng như hàng rong, chúng ta cũng phải tìm chỗ cho xe gắn máy đậu để cải thiện dần bộ mặt vỉa hè. Hẳn là trong tương lai gần, vấn đề đậu xe trong đô thị TPHCM sẽ là trọng điểm của giao thông. Có thể tiên đoán được là ô tô cũng sẽ dùng vỉa hè để đậu toàn thân hay đậu nghiêng, nửa trên hè, nửa dưới đường.
Sẽ có những cuộc tranh chấp nẩy lửa giữa hàng rong, đậu xe gắn máy và ô tô, mà hậu quả cuối cùng là giao thông trên con đường đó sẽ không thông nữa. Đứng trước nguy cơ này, biện pháp khắc phục không thể chỉ là cấm đoán, mà còn phải quy hoạch lại đô thị, trong đó chính sách giãn dân là một trong những biện pháp.
GS. Phan Văn Trường - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Cả xã hội nên đợi và giúp thành phần nghèo khó nhất cùng đi, cùng tiến. Vì nếu đàn én đi chậm, mùa xuân khó trở lại!
Luật pháp và thói quen
Tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, vỉa hè là “đất sống” của hàng trăm ngàn người bán hàng rong và nhiều thứ khác. Có thể thấy hoạt động kinh tế diễn ra trên vỉa hè sôi động đến mức chức năng chính của vỉa hè là phục vụ người bộ hành bị ảnh hưởng.
Hiện tượng buôn bán trên vỉa hè buộc chúng ta phải nghĩ gì và làm gì? Nếu thấy là tốt thì phải làm gì để mở rộng thêm? Nếu thấy là không tốt thì phải nghĩ đến việc cải thiện, thay đổi hoặc cấm hoàn toàn?
Hẳn kinh tế vỉa hè có một chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế đô thị TPHCM. Có thể nói, nếu không có kinh tế vỉa hè, TPHCM sẽ không phát triển được như ngày hôm nay. Nói một cách khác, cần nhìn kinh tế vỉa hè một cách khách quan hơn nữa, năng động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa!
Nhưng làm gì cũng phải căn cứ vào luật pháp, và trong trường hợp của hàng rong thì luật pháp rất rõ ràng: cấm. Tuy nhiên, đây cũng chung trường hợp với rất nhiều tệ đoan khác. Cấm vẫn làm, làm vẫn ít khi bị phạt, thành thử lâu lâu có người bị phạt cảm thấy bị oan (vì nghĩ rằng không ai bị phạt suốt năm tại sao mình lại bị phạt).
Trên lý thuyết, khi có tai nạn xảy ra trên vỉa hè do hàng bán rong (hay vì vỉa hè biến thành bãi đậu xe), người bị tai nạn có thể kiện cả người buôn bán lẫn Nhà nước. Tại các nước phát triển, hình phạt đôi khi rất nặng, nhất là trong trường hợp trẻ em bị tai nạn trên vỉa hè khi đi tới trường. Nhưng những gì diễn ra tại các đô thị trong nước thì không phải như vậy!
Hàng rong còn gây ra ô nhiễm không kém: không ai không dẫm phải xương gà, vịt, cọng bún, cọng rau, mẩu báo gói hàng... vất lổn nhổn trên lề đường. Và hiện tượng xe gắn máy “chiếm” vỉa hè (cả đậu và lưu thông) còn nguy hiểm hơn hàng rong. Không thể chối cãi, nền kinh tế vỉa hè không thể tiếp tục mãi dưới hình thức hiện tại được.
Thế nhưng, ngay trên mặt môi trường địa ốc, chỗ nào có buôn bán tấp nập là chỗ dễ mua bán nhà. Và có nhiều khu biệt thự còn mong có hàng rong tới ngay trước cửa, ít nhất là buổi sáng, để rộng đường lựa chọn món ăn sáng.
Trong mọi trường hợp, luật pháp rất rõ ràng. Vậy trong trường hợp vỉa hè, đã có luật tại sao lại còn bàn cãi thêm? Đó là vì luật pháp không thể chấp hành được, một là vì có hàng triệu trường hợp vi phạm hàng ngày; hai là vì luật không đi đôi với cuộc sống người dân - không thực tế; ba là vì nền kinh tế đô thị sẽ suy giảm ngay nếu chấp hành; và bốn là vì nếu chấp hành sẽ gây rối thêm trong xã hội, người làm luật sẽ mang tiếng làm luật để bắt nạt kẻ nghèo.
Vỉa hè và hàng rong
Một trong những lý do chính có hàng rong là vì mướn cửa tiệm là điều không thể cho số đông người buôn bán (phần cung). Ai chẳng muốn có tiệm bán. Tuy nhiên, một căn nhà mặt tiền dù rất nhỏ trong thành phố có giá mướn rất cao, đôi khi còn cao hơn cả tổng số khả năng thu hàng tháng. Ngoài ra, thị trường cho mướn nhà làm cho hợp đồng rất phù du, bình thường là hai năm, nếu không muốn nói là một năm. Không ai muốn phải di dời cửa tiệm mỗi hai năm cả.
Đến người mua hàng rong (phần cầu) cũng rất cần hàng rong. Ngân sách một gia đình trung bình trong thành phố không cho phép số đông ăn sáng hoặc ăn trưa đều đặn ở trong tiệm, đó là chưa kể tới cuộc sống mới tất tưởi rất cần ăn nhanh chóng rồi chạy cuốn theo công ăn việc làm.
Nói tóm lại, cả cung lẫn cầu đều cần vỉa hè. Và một khi nhận định rằng không thể nào xóa bỏ kinh tế vỉa hè thì thiết tưởng phải nghĩ tới việc cho nền kinh tế này một nơi tạm gọi là để dung thân.
Một số đô thị tại các nước láng giềng Việt Nam đã có những biện pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế vỉa hè và chúng ta nên suy ngẫm. Các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... đều có kinh tế vỉa hè.
Tại Singapore, họ đã tạo ra một số nơi như food-court hay food center (một dạng trung tâm ẩm thực), rải rác trên lãnh thổ đô thị. Ở những nơi đó, các quầy được tụ tập, tiền mướn quầy rất phải chăng, bãi đậu xe rộng rãi, nhưng đáng chú ý nhất là các quầy đều được kiểm soát vệ sinh thật chặt chẽ, nước lọc từ ống nước, nước thải và rác rắn được quản lý khoa học, thậm chí đĩa chén dùng rồi cũng có một công ty chuyên môn rửa và phơi khô trước khi dùng lại. Các bàn ăn xong được một công ty riêng biệt dọn bàn ngay. Điều tuyệt vời là các bữa cơm không đắt hơn trước. Khi thấy rất nhiều ô tô cao cấp đậu tại những food center này chúng ta hiểu được sự thành công rộng rãi của nó.
Tại Malaysia và Thái Lan cũng vậy, các food-court ngày càng nhiều. Phải nói rằng, thể thức tổ chức này thành công đến nỗi ngày nay, tại các nơi này, họ còn xây thêm các food center cao cấp, như The Pavillion tại Kuala Lumpur. Giá biểu đắt gấp rưỡi nhưng bàn ghế ngồi thoải mái tươm tất, có máy lạnh. Sự thành công của food center, giống như kinh tế vỉa hè tại Việt Nam không chối cãi được.
Điều đó chứng tỏ mô hình hàng rong, dưới hình thức này hay hình thức khác, là một sinh hoạt kinh tế quan trọng, phải lấy cung đáp lại cầu. Tại các nước láng giềng hàng rong đóng một vai trò quan trọng, nhưng tại TPHCM thì hơn thế nữa, phải gọi là then chốt.
Xe gắn máy và vỉa hè
Phải nói rằng, nếu không có vỉa hè để đậu xe gắn máy, thì kinh tế TPHCM sẽ giảm đi rất nhiều. Động cơ của thương mại là khả năng di chuyển, phần lớn là xe gắn máy, và tất nhiên cũng dựa vào khả năng đậu và gửi xe. Đó là phần cầu. Về phần cung việc giữ xe đã trở thành một công nghiệp. Không có ngành này trong kinh tế đô thị thì rất đông thành phần sẽ thiếu hụt chi tiêu hàng tháng, thậm chí nhiều gia đình có cửa hàng rồi, vẫn nhận luôn việc giữ xe thêm, cốt sao tròn được việc chi tiêu trong nhà.
Tuy nhiên, trên nhiều vỉa hè trong đô thị TPHCM, vỉa hè đã được tận dụng vào việc đậu xe gắn máy đến độ không còn chỗ cho người bộ hành. Phải nhận xét vô tư rằng, có nhiều cửa tiệm dùng vỉa hè cho khách đậu xe một cách tự nhiên, gần như coi đó là quyền đương nhiên của họ. Việc này cho thấy rõ là ngay trong việc vỉa hè bị cấm trên lý thuyết, thì cũng có sự bất công trong khai thác vỉa hè! Có nơi được ưu đãi, như những cửa tiệm lớn, thản nhiên hoạt động, có nơi vừa làm vừa sợ sệt như tất cả những hàng rong ăn uống. Rõ ràng xã hội chúng ta còn thiên vị người giàu và bất công với người nghèo ngay cả trong việc xử lý những bất hợp lệ trên vỉa hè.
Và cũng như hàng rong, chúng ta cũng phải tìm chỗ cho xe gắn máy đậu để cải thiện dần bộ mặt vỉa hè. Hẳn là trong tương lai gần, vấn đề đậu xe trong đô thị TPHCM sẽ là trọng điểm của giao thông. Có thể tiên đoán được là ô tô cũng sẽ dùng vỉa hè để đậu toàn thân hay đậu nghiêng, nửa trên hè, nửa dưới đường.
Sẽ có những cuộc tranh chấp nẩy lửa giữa hàng rong, đậu xe gắn máy và ô tô, mà hậu quả cuối cùng là giao thông trên con đường đó sẽ không thông nữa. Đứng trước nguy cơ này, biện pháp khắc phục không thể chỉ là cấm đoán, mà còn phải quy hoạch lại đô thị, trong đó chính sách giãn dân là một trong những biện pháp.
GS. Phan Văn Trường - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nhận xét
Đăng nhận xét