(TBKTSG) - Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mọi sinh hoạt, mọi hàng hóa, mọi dịch vụ dường như ngày càng “thương mại hóa”, đã nổi lên nhiều ưu tư về sự suy thoái đạo đức của xã hội lẫn con người.
Có người giải thích sự kiện này với khẳng định: Thị trường khiến con người tham lam hơn, xấu xa hơn. Song, như nhiều học giả đã lý luận: Lòng tham thì vô bờ bến, những tính xấu của con người thì đã có từ khi loài người xuất hiện trên địa cầu, và chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến ngày tận thế, trong bất cứ thể chế chính trị hoặc kinh tế nào. Thế nên, đi tìm lý do của sự suy kiệt đạo đức (nếu có) đặc thù của kinh tế thị trường thì phải đưa bằng chứng là hiện tượng ấy gắn liền với những đặc tính cá biệt của thị trường, chứ không phải chỉ vì bản tính chung chung của loài người.
Vài năm gần đây, người có nhiều đóng góp nhất về vấn đề này có lẽ là Michael Sandel, Giáo sư triết học của Đại học Harvard. Khởi điểm lý luận của Sandel là câu hỏi: Vì bản chất của thị trường là thương mại, có chăng những loại phẩm vật (hàng hóa hoặc dịch vụ) mà, xét theo một tiêu chuẩn đạo đức nào đó, không nên được mua bán trên thị trường? Theo Sandel, nếu có những vật phẩm như thế thì sự xuất hiện thị trường cho chúng trong một xã hội sẽ làm suy bại đạo đức của xã hội ấy.
Để trả lời câu hỏi “tiền nên mua được cái gì và không nên mua được cái gì” Sandel đề nghị hai tiêu chuẩn: một là sự bất công bằng, hai là sự tổn thương các giá trị đạo đức.
(1) Thứ nhất, sự chọn lựa (trong việc mua bán) trong một thị trường có thể phản ảnh sự bất bình đẳng thu nhập và, quan trọng hơn, bất công bằng trong xã hội. Trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể bán và mua, cuộc sống của những người có thu nhập khiêm tốn sẽ khó khăn hơn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự dồi dào tiền bạc càng quan trọng. Nói rõ hơn, nếu lợi thế của người giàu chỉ là có thể mua xe sang, ở nhà đẹp, dùng hàng hiệu, du lịch nước ngoài, thì sự bất quân bình thu nhập (tuy sẽ tạo ganh tỵ) cũng không gây nhiều hậu quả tai hại. Nhưng trên thực tế thì tiền bạc còn mua được nhiều thứ nữa: thế lực chính trị, sức khỏe, biệt thự ở khu vực yên tĩnh, và con cái thì được vào những trường ưu tú... Chính những thứ này sẽ khiến độ chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, làm sâu thêm sự bất công bằng trong một nước, và gây những chia rẽ trong xã hội nặng nề hơn từ thế hệ này sang những thế hệ tương lai... Chính vì thế, theo Sandel, xã hội phải hạn chế quyền lực của tiền bạc để giảm những hậu quả tai hại của những sự không bình đẳng ấy. Đặt một số hàng hóa và dịch vụ ra ngoài sự chi phối của thị trường là một cách chặn bớt hậu quả tai hại của sự bất công bằng xã hội.
(2) Thứ hai, thị trường của một phẩm vật có thể gây thương tổn cho những giá trị của con người và xã hội. Nhìn quanh, ta thấy ngay có nhiều thứ rất tốt đẹp (tình bạn, chẳng hạn) nhưng khi bị gán cho một giá tiền thì giá trị của chúng sẽ gần như không còn nữa. Một người mà anh phải trả tiền mới nhận làm “bạn” của anh thì rõ ràng không phải là bạn anh. Đừng nhầm lẫn tổng thể một thứ tốt đẹp như thế và những dịch vụ mà nó có thể “cung cấp” cho anh. Anh có thể thuê một người để trông nhà cho anh (dịch vụ của một người bạn) khi anh đi vắng, thậm chí anh có thể thuê một cố vấn tâm lý để nghe anh giãi bày “tâm sự”, nhưng, hiển nhiên, những người này không phải là “bạn” anh theo cái nghĩa thật sự của chữ này. Nói cách hoa mỹ, thị trường không chỉ là một cơ chế để phân bố hàng hóa và dịch vụ, nó còn phản ánh và khuyến khích một thái độ nào đó đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ được trao đổi. Thái độ này biến đổi chính bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ ấy.
Một ví dụ khác: Khi cha mẹ cho con tiền để nó đọc sách nhiều hơn thì đúng là đứa bé ấy có thể đọc nhiều hơn, nhưng đứa con ấy cũng được gián tiếp dạy rằng đọc sách là một “cực hình” hơn là một thú vui có giá trị tự tại. Tương tự, thuê người nước ngoài để chiến đấu cho chúng ta có thể tiết kiệm sinh mạng đồng bào ta, nhưng cũng làm suy kiệt ý niệm “công dân” một nước.
Như vậy, Sandel lý luận, có nhiều thứ mà tiền không thể nào mua, bởi vì nếu những thứ ấy mà được bán thì chúng không còn là chúng nữa.
Trên thực tế, hai tác hại của một số thị trường như đã nói trên (“không công bằng” và “tổn thương đạo đức”) thường quyện quấn vào nhau, đi đôi với nhau, và không phải bao giờ cũng trắng đen rõ ràng: có nhiều mức độ “không công bằng” và nhiều mức độ “tổn thương đạo đức”.
Lấy “thị trường” nội tạng (để ghép) của con người làm ví dụ. Dù rằng tiền có thể mua một quả thận, một nhãn cầu, mà không làm giảm giá trị y khoa của chúng, nhưng có nên cho phép nội tạng được tự do mua bán không?
Có hai lý do để ngăn cấm sự mua bán này. Một là, thị trường ấy sẽ có khuynh hướng bóc lột những người cùng cực nghèo khổ. Khó nói rằng quyết định bán thận của họ (để mua thức ăn chẳng hạn) là hoàn toàn “tự nguyện”. Cho phép một thị trường như thế tồn tại là vi phạm tiêu chuẩn “công bằng”, chẳng khác gì cho phép người giàu bóc lột người nghèo. Hai là, thị trường ấy sẽ làm tổn thương nhân phẩm, vì trong một xã hội như thế thì hóa ra con người chỉ là một tổ hợp những “linh kiện” (máu, mắt, thận, tim, phổi...) có thể lấy từ thân thể người bán để thay thế những bộ phận “hỏng hóc” ở thân thể người mua. Rõ ràng là tư duy ấy sẽ xúc phạm trầm trọng chuẩn mực đạo đức của đa số chúng ta.
Trẻ em là một ví dụ khác. Hiển nhiên, nếu muốn, chúng ta có thể cho phép một “thị trường” con nuôi. Nhưng không nên cho phép thị trường ấy vì hai lý do. Thứ nhất là vì công bằng. Một thị trường như thế sẽ thiên vị những người giàu có, bởi lẽ những người thu nhập thấp mà muốn có con nuôi thì sẽ chỉ “mua” được những đứa trẻ ít người muốn “mua” (vì đứa bé có dị tật hay thiểu năng, chẳng hạn). Thứ hai là thị trường ấy sẽ xúc phạm những giá trị nhân bản. Gắn cho trẻ em một giá tiền thì chuẩn mực “yêu thương vô điều kiện” của cha mẹ đối với con cái, mà mọi xã hội xưa nay đều coi là thiêng liêng, sẽ không còn nữa. Hơn nữa, sự chênh lệch giá cả (chắc chắn sẽ xảy ra) giữa em này và em khác sẽ củng cố ấn tượng rằng giá trị một đứa bé là tùy vào chủng tộc, giới tính, tiềm năng trí tuệ, thể hình của nó. Tương tự, “thị trường” nô lệ là kinh tởm vì nó xem con người như một loại hàng hóa, có thể (đấu giá) bán và mua. “Nhân phẩm” là vô nghĩa trong những cuộc đấu giá như thế.
Một ví dụ nữa: Lá phiếu của công dân một quốc gia dân chủ cũng không thể mua hoặc bán (dù có người sẵn sàng bán, mua!) vì bổn phận mỗi người dân là một trách nhiệm cộng đồng, không thể được xem là sở hữu của cá nhân. Cho phép mua bán lá phiếu là hạ thấp giá trị của nó, cho nó một nghĩa khác.
Những ví dụ trên đây đủ cho thấy giá trị của nhiều vật phẩm sẽ sút giảm, hoặc mất hẳn, nếu chúng có thể được mua bán trên thị trường. Khi chúng ta quyết định rằng một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó có thể mua và bán là chúng ta mặc nhiên chấp nhận rằng hàng hóa ấy có thể được xem như một món đồ, là một công cụ để sử dụng hoặc kiếm lời. Không phải giá trị của mọi thứ (ví dụ sức khỏe, giáo dục, đời sống gia đình, thiên nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân...) đều là như vậy. Để quyết định thứ nào được phép buôn bán, thứ nào không, xã hội phải thỏa thuận cách thẩm định giá trị thật của chúng. Đó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và chính trị, không chỉ kinh tế, và lời giải sẽ tùy mỗi trường hợp. Không có một đáp số chung cho mọi thứ, mọi thời.
Cho đến gần đây một giả định căn bản trong kinh tế học là sự “trung tính” của thị trường, nghĩa là bản chất hàng hóa hoặc dịch vụ được đổi trao sẽ không bị ảnh hưởng của thị trường. Nhưng, như Sandel và nhiều người khác đã phát hiện, giả định này không luôn luôn đúng. Thị trường có thể ảnh hưởng đến giá trị tự tại của một phẩm vật khi nó được mua bán bằng tiền. Trong nhiều trường hợp, giá trị trên thị trường át hẳn những giá trị phi thị trường, mà chính những giá trị phi thị trường này mới đáng giữ. Tất nhiên, không phải mọi người đều đồng ý giá trị nào là đáng giữ, và tại sao chúng đáng giữ. Do đó, để quyết định cái gì nên được mua bán trên thị trường, và cái gì là không nên, chúng ta phải quyết định giá trị nào cần được bảo tồn trong những bối cảnh khác nhau.
Theo Sandel, nên phân biệt kinh tế thị trường và xã hội thị trường. Kinh tế thị trường là một công cụ để cơ cấu hoạt động sản xuất và phân bố sản phẩm. Dù không tuyệt hảo (ngay những nhà kinh tế chuộng thị trường cực đoan cũng nhìn nhận rằng thị trường có nhiều “thất bại” cần sự can thiệp của nhà nước), công cụ ấy có những ích lợi và hiệu quả khó chối cãi. Xã hội thị trường, mặt khác, là một lối sống của con người trong xã hội trong đó giá trị thị trường chi phối mọi hoạt động, tư duy.
Như vậy, thị trường, ngoài những “thất bại” theo nghĩa thông thường còn có những ảnh hưởng sâu sắc, có thể là tai hại, đến đạo đức xã hội. Chúng ta có muốn trở thành một xã hội thị trường trong đó những liên hệ xã hội được tái lập theo hình mẫu của thị trường không? Đâu là vai trò và tầm mức thâm nhập của thị trường vào đời sống cộng đồng, vào liên hệ giữa con người với nhau? Đến mức nào thì chúng ta có thể cho phép thị trường làm biến dạng tư duy của chúng ta? Đó là những vấn đề cần suy nghĩ.
Trần Hữu Dũng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Có người giải thích sự kiện này với khẳng định: Thị trường khiến con người tham lam hơn, xấu xa hơn. Song, như nhiều học giả đã lý luận: Lòng tham thì vô bờ bến, những tính xấu của con người thì đã có từ khi loài người xuất hiện trên địa cầu, và chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến ngày tận thế, trong bất cứ thể chế chính trị hoặc kinh tế nào. Thế nên, đi tìm lý do của sự suy kiệt đạo đức (nếu có) đặc thù của kinh tế thị trường thì phải đưa bằng chứng là hiện tượng ấy gắn liền với những đặc tính cá biệt của thị trường, chứ không phải chỉ vì bản tính chung chung của loài người.
Vài năm gần đây, người có nhiều đóng góp nhất về vấn đề này có lẽ là Michael Sandel, Giáo sư triết học của Đại học Harvard. Khởi điểm lý luận của Sandel là câu hỏi: Vì bản chất của thị trường là thương mại, có chăng những loại phẩm vật (hàng hóa hoặc dịch vụ) mà, xét theo một tiêu chuẩn đạo đức nào đó, không nên được mua bán trên thị trường? Theo Sandel, nếu có những vật phẩm như thế thì sự xuất hiện thị trường cho chúng trong một xã hội sẽ làm suy bại đạo đức của xã hội ấy.
Để trả lời câu hỏi “tiền nên mua được cái gì và không nên mua được cái gì” Sandel đề nghị hai tiêu chuẩn: một là sự bất công bằng, hai là sự tổn thương các giá trị đạo đức.
(1) Thứ nhất, sự chọn lựa (trong việc mua bán) trong một thị trường có thể phản ảnh sự bất bình đẳng thu nhập và, quan trọng hơn, bất công bằng trong xã hội. Trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể bán và mua, cuộc sống của những người có thu nhập khiêm tốn sẽ khó khăn hơn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự dồi dào tiền bạc càng quan trọng. Nói rõ hơn, nếu lợi thế của người giàu chỉ là có thể mua xe sang, ở nhà đẹp, dùng hàng hiệu, du lịch nước ngoài, thì sự bất quân bình thu nhập (tuy sẽ tạo ganh tỵ) cũng không gây nhiều hậu quả tai hại. Nhưng trên thực tế thì tiền bạc còn mua được nhiều thứ nữa: thế lực chính trị, sức khỏe, biệt thự ở khu vực yên tĩnh, và con cái thì được vào những trường ưu tú... Chính những thứ này sẽ khiến độ chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, làm sâu thêm sự bất công bằng trong một nước, và gây những chia rẽ trong xã hội nặng nề hơn từ thế hệ này sang những thế hệ tương lai... Chính vì thế, theo Sandel, xã hội phải hạn chế quyền lực của tiền bạc để giảm những hậu quả tai hại của những sự không bình đẳng ấy. Đặt một số hàng hóa và dịch vụ ra ngoài sự chi phối của thị trường là một cách chặn bớt hậu quả tai hại của sự bất công bằng xã hội.
(2) Thứ hai, thị trường của một phẩm vật có thể gây thương tổn cho những giá trị của con người và xã hội. Nhìn quanh, ta thấy ngay có nhiều thứ rất tốt đẹp (tình bạn, chẳng hạn) nhưng khi bị gán cho một giá tiền thì giá trị của chúng sẽ gần như không còn nữa. Một người mà anh phải trả tiền mới nhận làm “bạn” của anh thì rõ ràng không phải là bạn anh. Đừng nhầm lẫn tổng thể một thứ tốt đẹp như thế và những dịch vụ mà nó có thể “cung cấp” cho anh. Anh có thể thuê một người để trông nhà cho anh (dịch vụ của một người bạn) khi anh đi vắng, thậm chí anh có thể thuê một cố vấn tâm lý để nghe anh giãi bày “tâm sự”, nhưng, hiển nhiên, những người này không phải là “bạn” anh theo cái nghĩa thật sự của chữ này. Nói cách hoa mỹ, thị trường không chỉ là một cơ chế để phân bố hàng hóa và dịch vụ, nó còn phản ánh và khuyến khích một thái độ nào đó đối với những hàng hóa hoặc dịch vụ được trao đổi. Thái độ này biến đổi chính bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ ấy.
Một ví dụ khác: Khi cha mẹ cho con tiền để nó đọc sách nhiều hơn thì đúng là đứa bé ấy có thể đọc nhiều hơn, nhưng đứa con ấy cũng được gián tiếp dạy rằng đọc sách là một “cực hình” hơn là một thú vui có giá trị tự tại. Tương tự, thuê người nước ngoài để chiến đấu cho chúng ta có thể tiết kiệm sinh mạng đồng bào ta, nhưng cũng làm suy kiệt ý niệm “công dân” một nước.
Như vậy, Sandel lý luận, có nhiều thứ mà tiền không thể nào mua, bởi vì nếu những thứ ấy mà được bán thì chúng không còn là chúng nữa.
Trên thực tế, hai tác hại của một số thị trường như đã nói trên (“không công bằng” và “tổn thương đạo đức”) thường quyện quấn vào nhau, đi đôi với nhau, và không phải bao giờ cũng trắng đen rõ ràng: có nhiều mức độ “không công bằng” và nhiều mức độ “tổn thương đạo đức”.
Lấy “thị trường” nội tạng (để ghép) của con người làm ví dụ. Dù rằng tiền có thể mua một quả thận, một nhãn cầu, mà không làm giảm giá trị y khoa của chúng, nhưng có nên cho phép nội tạng được tự do mua bán không?
Có hai lý do để ngăn cấm sự mua bán này. Một là, thị trường ấy sẽ có khuynh hướng bóc lột những người cùng cực nghèo khổ. Khó nói rằng quyết định bán thận của họ (để mua thức ăn chẳng hạn) là hoàn toàn “tự nguyện”. Cho phép một thị trường như thế tồn tại là vi phạm tiêu chuẩn “công bằng”, chẳng khác gì cho phép người giàu bóc lột người nghèo. Hai là, thị trường ấy sẽ làm tổn thương nhân phẩm, vì trong một xã hội như thế thì hóa ra con người chỉ là một tổ hợp những “linh kiện” (máu, mắt, thận, tim, phổi...) có thể lấy từ thân thể người bán để thay thế những bộ phận “hỏng hóc” ở thân thể người mua. Rõ ràng là tư duy ấy sẽ xúc phạm trầm trọng chuẩn mực đạo đức của đa số chúng ta.
Trẻ em là một ví dụ khác. Hiển nhiên, nếu muốn, chúng ta có thể cho phép một “thị trường” con nuôi. Nhưng không nên cho phép thị trường ấy vì hai lý do. Thứ nhất là vì công bằng. Một thị trường như thế sẽ thiên vị những người giàu có, bởi lẽ những người thu nhập thấp mà muốn có con nuôi thì sẽ chỉ “mua” được những đứa trẻ ít người muốn “mua” (vì đứa bé có dị tật hay thiểu năng, chẳng hạn). Thứ hai là thị trường ấy sẽ xúc phạm những giá trị nhân bản. Gắn cho trẻ em một giá tiền thì chuẩn mực “yêu thương vô điều kiện” của cha mẹ đối với con cái, mà mọi xã hội xưa nay đều coi là thiêng liêng, sẽ không còn nữa. Hơn nữa, sự chênh lệch giá cả (chắc chắn sẽ xảy ra) giữa em này và em khác sẽ củng cố ấn tượng rằng giá trị một đứa bé là tùy vào chủng tộc, giới tính, tiềm năng trí tuệ, thể hình của nó. Tương tự, “thị trường” nô lệ là kinh tởm vì nó xem con người như một loại hàng hóa, có thể (đấu giá) bán và mua. “Nhân phẩm” là vô nghĩa trong những cuộc đấu giá như thế.
Một ví dụ nữa: Lá phiếu của công dân một quốc gia dân chủ cũng không thể mua hoặc bán (dù có người sẵn sàng bán, mua!) vì bổn phận mỗi người dân là một trách nhiệm cộng đồng, không thể được xem là sở hữu của cá nhân. Cho phép mua bán lá phiếu là hạ thấp giá trị của nó, cho nó một nghĩa khác.
Những ví dụ trên đây đủ cho thấy giá trị của nhiều vật phẩm sẽ sút giảm, hoặc mất hẳn, nếu chúng có thể được mua bán trên thị trường. Khi chúng ta quyết định rằng một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó có thể mua và bán là chúng ta mặc nhiên chấp nhận rằng hàng hóa ấy có thể được xem như một món đồ, là một công cụ để sử dụng hoặc kiếm lời. Không phải giá trị của mọi thứ (ví dụ sức khỏe, giáo dục, đời sống gia đình, thiên nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân...) đều là như vậy. Để quyết định thứ nào được phép buôn bán, thứ nào không, xã hội phải thỏa thuận cách thẩm định giá trị thật của chúng. Đó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức và chính trị, không chỉ kinh tế, và lời giải sẽ tùy mỗi trường hợp. Không có một đáp số chung cho mọi thứ, mọi thời.
Cho đến gần đây một giả định căn bản trong kinh tế học là sự “trung tính” của thị trường, nghĩa là bản chất hàng hóa hoặc dịch vụ được đổi trao sẽ không bị ảnh hưởng của thị trường. Nhưng, như Sandel và nhiều người khác đã phát hiện, giả định này không luôn luôn đúng. Thị trường có thể ảnh hưởng đến giá trị tự tại của một phẩm vật khi nó được mua bán bằng tiền. Trong nhiều trường hợp, giá trị trên thị trường át hẳn những giá trị phi thị trường, mà chính những giá trị phi thị trường này mới đáng giữ. Tất nhiên, không phải mọi người đều đồng ý giá trị nào là đáng giữ, và tại sao chúng đáng giữ. Do đó, để quyết định cái gì nên được mua bán trên thị trường, và cái gì là không nên, chúng ta phải quyết định giá trị nào cần được bảo tồn trong những bối cảnh khác nhau.
Theo Sandel, nên phân biệt kinh tế thị trường và xã hội thị trường. Kinh tế thị trường là một công cụ để cơ cấu hoạt động sản xuất và phân bố sản phẩm. Dù không tuyệt hảo (ngay những nhà kinh tế chuộng thị trường cực đoan cũng nhìn nhận rằng thị trường có nhiều “thất bại” cần sự can thiệp của nhà nước), công cụ ấy có những ích lợi và hiệu quả khó chối cãi. Xã hội thị trường, mặt khác, là một lối sống của con người trong xã hội trong đó giá trị thị trường chi phối mọi hoạt động, tư duy.
Như vậy, thị trường, ngoài những “thất bại” theo nghĩa thông thường còn có những ảnh hưởng sâu sắc, có thể là tai hại, đến đạo đức xã hội. Chúng ta có muốn trở thành một xã hội thị trường trong đó những liên hệ xã hội được tái lập theo hình mẫu của thị trường không? Đâu là vai trò và tầm mức thâm nhập của thị trường vào đời sống cộng đồng, vào liên hệ giữa con người với nhau? Đến mức nào thì chúng ta có thể cho phép thị trường làm biến dạng tư duy của chúng ta? Đó là những vấn đề cần suy nghĩ.
Trần Hữu Dũng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Nhận xét
Đăng nhận xét