Chuyển đến nội dung chính

Sự dịch chuyển của ngành quảng cáo

Xu hướng digital

Tổng giám đốc công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Quốc tế (ICP) Phan Quốc Công cho hay công ty ông đã bắt đầu quảng cáo digital bốn năm về trước khi nhận thấy người tiêu dùng truy cập internet ngày càng nhiều. Ngân sách tiếp thị của ICP được chia theo tỷ lệ 70 – 20 – 10, theo đó 70% được thực hiện trên các phương tiện đã được chứng minh hiệu quả, thông thường là truyền hình, 20% chạy trên các kênh mới và có thể đo lường được hiệu quả, và 10% còn lại là dùng cho các chiến dịch “mới và chưa đo lường được”. Theo ông Công, một chiến dịch của ICP quảng cáo trên truyền hình ngốn hết 1 triệu đô la Mỹ “là chuyện bình thường”. Trong khi đó, công ty thực hiện một chiến dịch trên internet thì chỉ bằng khoảng 1/10, tức khoảng 100.000 đô la Mỹ.

Động thái của một công ty tiêu khá nhiều tiền cho các chiến dịch tiếp thị như ICP đang cho thấy một xu hướng của ngành quảng cáo. Rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường, lớn có, nhỏ có đã nhòm ngó đến quảng cáo digital, bao gồm cả quảng cáo trực tuyến (online) và quảng cáo trên điện thoại di động (mobile).

Bức tranh của quảng cáo digital đã khá rõ nét với hơn 30 triệu người Việt Nam dùng internet, trong đó 86% sử dụng các mạng xã hội. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ phận Digital của công ty Maxus Việt Nam, thuộc Group M, Facebook là mạng có nhiều thành viên nhất với 14 triệu người dùng. Trung bình mỗi người dùng Việt Nam bỏ ra khoảng 40 phút hàng ngày trên mạng xã hội này. Và rất nhiều nhãn hàng đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo của mình trên đó, như ICP là một ví dụ.

Đất việc VAC cũng đang thay đổi các quảng cáo ngoài trời (OOH) của mình theo xu hướng số, một phương tiện đang ở giai đoạn bùng nổ, theo lời ông Đào Văn Kính, Tổng giám đốc. Còn bà Ngô Thị Báu, Giám đốc công ty Nguyên Tâm, cho biết riêng bà đang quản lý ba trang fanpage và một trang cá nhân của mình trên Facebook. Một ngày, bà Báu ra vào mạng xã hội này trên dưới 10 lần. 30% doanh thu của T&A Ogilvy Việt Nam đến từ truyền thông xã hội theo Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn.

Nhiều doanh nhân Việt Nam đến Mỹ đã rất ngạc nhiên khi đi qua các màn hình quảng cáo tại quảng trường Time ở New York. Công nghệ giúp cho các biển quảng cáo này nhận diện được giới tính và tuổi tác của từng cá nhân dựa trên từng khuôn mặt và cho hiển thị các quảng cáo phù hợp với từng người. Ông Kính cho biết, Đất Việt VAC đang muốn biến khu vực trung tâm TP.HCM thành một quảng trường Time ở Việt Nam trong thời gian tới.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, xu hướng kỹ thuật số đang ngày một rõ nét. Hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) đánh dấu việc thành lập văn phòng tại Việt Nam ngày 18/12/2013 với một nghiên cứu trong đó có thông điệp: tầng lớp người có thu nhập khá và cao của Việt Nam sẽ tăng từ 12 triệu năm nay đến 33 triệu vào 6 năm sau đó. Và theo BCG những người này sẽ “đi đầu trong việc chuyển sang kỷ nguyên số”.

Điều này có sự trùng hợp với một nguyên cứu trên quy mô lớn của Kantar Media Việt Nam trong năm nay, theo đó 10% dân số có thu nhập và dân trí cao nhất đã dành 107 phút/ngày để lướt web khi thời gian xem TV là 197 phút.

Tìm khôn trong khó

Thời huy hoàng của quảng cáo ngoài trời đã qua. Bị lấn sân đến chỉ còn chừng 4 – 5% thị phần, các doanh nghiệp ngoài trời buộc phải chuyển mình. Tháng 10/2012, Đất Việt VAC cùng với Nielsen Việt Nam công bố kết quả về bảng biển quảng cáo trên các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Trong tổng số 17.135 bảng biển, thật bất ngờ khi Hà Nội là thành phố có số lượng nhiều nhất với 5.586 bảng, còn TP.HCM đứng thứ hai sau đó với 5.317 bảng, tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 1 với 1.303 bảng.

Quảng cáo ngoài trời hay digital thực ra chỉ chiếm rất nhỏ trong toàn cảnh thị trường, với mỗi kênh chừng 5%. Phần lớn của quảng cáo trong năm 2013 vẫn nằm trong tay ông vua truyền hình. Năm 2012, theo Kantar Media Việt Nam, trên một thị trường quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đạt 20.400 tỉ đồng, thì truyền hình chiếm 89%. Sáu tháng đầu năm nay, truyền hình tăng lên 92%. Giá quảng cáo trên truyền hình cũng đạt kỷ lục, lên tới 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo, theo bảng báo giá của chương trình The Voice Kids của VTV3.

Theo bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Kantar Media Việt Nam, trong thời gian tới truyền hình sẽ vẫn tiếp tục giữ vai trò thống trị thị trường quảng cáo. Nhưng truyền hình cũng đang chuyển mình với xu thế kết nối internet và các loại TV thông minh.

Thị trường trị giá khoảng 1 tỉ đô la Mỹ này đang chứng kiến sự sụt giảm về doanh số quảng cáo trên báo và tạp chí. Hiện tại, thống kê cho thấy trên cả nước có khoảng 800 đầu báo và tạp chí in. Các báo điện tử cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các cổng thông tin điện tử và trang tin tức tổng hợp.

Ở kênh quảng cáo truyền hình LCD, Goldsun Focus Media (GFM) cho biết từ tháng 8 đến nay doanh số sụt giảm đáng kể. Tổng đám đốc GFM – bà Trần Thị Lan Thanh cho biết khi khách hàng đang gặp khó khăn, dĩ nhiên nhà quảng cáo cũng bị ảnh hưởng. “Kinh tế dịch chuyển, khách hàng có cách ứng xử khác, thì chúng tôi cũng xoay chuyển theo”, bà Thanh nói.

GFM hiện đang đầu tư mạnh mẽ cho quảng cáo trên điện thoại di động, nhưng mọi thứ cũng chỉ mới bắt đầu. Chiến lược cũng thay đổi, thay đổi vì bán cái mình có, GFM đi tìm nhu cầu của thị trường. Chi phí cũng sẽ được tính dựa trên nhu cầu của khách hàng, chứ không phải từ giá thành sản xuất. Chính vì thế, theo bà Thanh, năm 2014, quảng cáo trên điện thoại di động sẽ tính đến chuyện “lỗ bao nhiêu”, chứ không phải “lời bao nhiêu”. Chấp nhận lỗ để cho khách hàng dùng thử, từ đó đẩy thị trường đi lên. Đó là cách mà bà Thanh ví là “xây nhà trên đầm lầy”, lấy những thất bại để làm nền móng cho vững chắc, nhằm tăng trưởng tốt sau này. GFM cũng sẽ kết nối điện thoại di động với các màn hình LCD nhằm tăng thêm hiệu quả quảng cáo.

Yahoo! đã chứng kiến sự tăng trưởng lượng người dùng trở lại, cả ở thị trường Việt Nam. Theo bà Rose Tsou, Phó chủ tịch cấp cao của Yahoo! khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Yahoo! đang xây dựng và ra mắt các sản phẩm chú trọng thực sự vào điện thoại di động. “Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tuyệt với để tận dụng làn sóng quảng cáo trên điện thoại di động ở Việt Nam. 30% người dùng điện thoại di động hiện đang sử dụng điện thoại thông minh và con số này sẽ tăng trong năm sau. Đây là cơ hội rất lớn”, bà nói.

Facebook không muốn mình đơn thuần chỉ là một mạng xã hội, mà còn muốn trở thành một nền tảng như Google. Mạng xã hội này được cho là kiếm rất nhiều tiền từ quảng cáo trên điện thoại di động trong năm qua. Dường như hơi nóng từ các đối thủ như Facebook và sự trở lại của Yahoo! đã phả vào gáy gã khổng lồ Google, hãng được cho là độc diễn thị trường quảng cáo trên công cụ tìm kiếm trên thế giới và ở Việt Nam. Năm 2013, có rất nhiều quan chức và chuyên gia cấp cao của Google lần lượt đến Việt Nam. Google cũng công bố một nghiên cứu quy mô về thị trường điện thoại ở đây. Đã nhiều lần Thời báo kinh tế Sài Gòn đặt câu hỏi: ‘Khi nào Google sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam?”. Câu trả lời luôn là: “Chúng tôi chưa thể nói chi tiết”.

Nhưng với những động thái của Google trong năm qua và sự vươn lên và trỗi dậy của các đối thủ, có thể nhận định rằng ngày đó sẽ rất gần.

Phi Tuấn - Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,