Chuyển đến nội dung chính

Kiếm tiền theo kiểu Google

Chuyện tác giả trò chơi miễn phí Flappy Bird kiềm tiền tỷ mỗi ngày, và nhiều trang tin, tờ báo, diễn đàn đua nhau tìm mọi cách câu khách, câu “view” dường như liên quan rất mật thiết. Đó là vì càng được nhiều người truy cập, các trang web hay trò chơi… càng có nhiều cơ hội hái ra tiền khi trở thành đối tác của hệ thống quảng cáo như Google Adsense.

Khởi nghiệp bán hoa chỉ với 20 triệu đồng, Phạm Hoàng Thái Dương không đủ sức để xây một cửa hàng. Vốn xuất thân từ dân công nghệ thông tin, Dương chọn cho mình cách kinh doanh trên mạng. Và để người tiêu dùng biết đến hoayeuthuong.com, tên cửa hàng, Dương chọn Google làm công cụ quảng bá. Ban đầu, Dương chi 200.000 đồng mỗi ngày cho quảng cáo từ khóa, gọi là Google Adwords.

Sau đó, Dương chi mạnh tay hơn khi trang web của công ty đã được nhiều người biết đến, và sử dụng hệ thống quảng cáo Google Display Network (GDN). Logo của hoayeuthuong.com xuất hiện khắp nơi, từ các mạng xã hội, các trang tin, các tờ báo trong nước, và cả báo nước ngoài. Nhiều người gặp Dương hỏi thăm, tỏ ý lo ngại ông chủ trẻ quá mạnh tay chi hàng trăm triệu đồng để quảng cáo. Dương chỉ cười. Hóa ra, mỗi ngày anh chỉ bỏ ra 50.000 đồng nhưng được cả thế giới biết đến. Hiện tại, hàng tháng, Dương chi từ 12-18 triệu đồng cho quảng cáo, trong đó khoảng 3 triệu đồng cho GDN, còn lại là Adwords, khi quy mô công ty đã lớn hơn.

GDN là hệ thống quảng cáo hiển thị được phân bổ cho các trang web thuộc Google Adsense, một hệ thống mua quảng cáo khổng lồ của Google. Ở Việt Nam, Google cho biết hầu hết các trang web có số lượng truy cập lớn đều là đối tác của hãng. Các trang web này, thay vì duy trì một bộ phận kinh doanh quảng cáo, thì bán lại cho Google những vị trí đẹp, với nhiều kích cỡ trên các trang của mình, và Google sẽ phân bổ các quảng cáo đến GDN. GDN cũng có một hệ thống đối tác lớn từ các trang web nước ngoài. 
Đây là lý do khiến nhiều người ở Việt Nam ngạc nhiên khi truy cập vào các trang báo trực tuyến quốc tế như The New York Times của Mỹ, Telegraph của Anh... lại thấy những banner quảng cáo hiển thị bằng tiếng Việt bên phải màn hình. Không phải các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp mua quảng cáo trên đó mà là qua hệ thống hiển thị của Google.

Theo thống kê của một đại lý quảng cáo trực tuyến tại TP.HCM, Google có chừng 80 đối tác là các tờ báo và trang tin quốc tế lớn dành cho khách hàng Việt Nam. Google giới thiệu Adsense từ năm 2003 và công cụ này làm mưa làm gió trên thế giới. Tháng 4/2013, Adsense mới được giới thiệu tại thị trường Việt Nam, cùng với Adsense cho điện thoại di động, gọi là Admob, và mạng quảng cáo hiển thị (GDN). Google Adsense cũng chính thức chấp nhận các trang web tiếng Việt một tháng sau đó. Google đã không giới hạn quảng cáo trong các trang tin lớn mà len lỏi vào từng blog cá nhân, qua hệ thống phân phối quảng cáo thông minh, dựa theo ngữ cảnh và tự động phân phối đến người đọc dựa trên nội dung trang web hay blog, vị trí của người đọc…

Adsense không khiến cho người đọc cảm thấy khó chịu vì có vẻ như tạo được sự hòa hợp giữa nội dung quảng cáo và nội dung của trang web, và vị trí đặt quảng cáo cũng phù hợp hơn so với các banner. Giới làm quảng cáo trong nước cho biết Google đang chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam. Ai muốn quảng cáo trên các vị trí đó thì cứ đấu giá mua, theo thời gian, địa điểm, độ tuổi, giới tính… Công nghệ của Google đủ “thông minh” để phân bổ quảng cáo đến từng đối tượng cụ thể, từ văn bản, video, banner đến đa phương tiện.

Mức giá trên GDN cũng khá “mềm”. Theo một đại lý quảng cáo, Google tính phí GDN cho 1.000 lần hiển thị, gọi là CPM (cost per 1.000 impressions), là 5.000 đồng. Ai không muốn trả tiền theo hình thức này thì chọn CPC (cost per click), tức tính tiền dựa theo số lần người đọc nhấp chuột vào quảng cáo. Giá cho CPC cũng không đắt, với banner là 6.500 đồng, văn bản là 1.600 đồng, còn nếu kết hợp cả banner và văn bản là 5.000 đồng. Nhưng tùy thuộc vào việc đấu giá, như hoayeuthuong.com chẳng hạn đang trả 2.500 đồng/click cho quảng cáo ở các trang nước ngoài. Để chọn ngày giờ và trên một số tờ báo lớn, các doanh nghiệp có thể phải đấu giá, nhưng giá cao nhất cũng là 8.000 đồng theo dạng CPM. Ở các trang báo nước ngoài, mức giá cũng khoảng 12.000 đồng/1.000 lần hiển thị.

Công nghệ của Google có thể xác định được nội dung của từng trang web, blog… để hiển thị các quảng cáo có liên quan một cách nhanh chóng, điều mà các nhà quảng cáo khác chưa thể làm được. GDN được thực hiện trên rất nhiều sản phẩm của Google như YouTube, Google Finance, Gmail và các trang web khác cùng mạng lưới hàng triệu trang web đối tác của hãng. Các quảng cáo có thể xuất hiện trước, trong và sau một đoạn phim, một văn bản, một trò chơi, như Flappy Birds nổi đình nổi đám chẳng hạn. Công nghệ của Google có thể xác định được nội dung của từng trang web, blog… để hiển thị các quảng cáo có liên quan một cách nhanh chóng, điều mà các nhà quảng cáo khác chưa thể làm được.

Giới doanh nghiệp có nhiều lựa chọn mà các quảng cáo truyền thống không đáp ứng được. Từ lựa chọn trang tin, lựa chọn vùng địa lý truy cập, chọn ngôn ngữ, độ tuổi, giới tính, sở thích của khách hàng, chủ đề quan tâm, thời gian quảng cáo cũng như mức giá quảng cáo. Chẳng hạn, hoayeuthuong.com lựa chọn quảng cáo của mình cho những khách hàng là người nước ngoài, biết tiếng Anh, đang sống ở Việt Nam, có độ tuổi từ 25-50, giới tính là nam, thường quan tâm đến mua sắm. Quảng cáo sẽ được hiện trên tất cả trang web trên thế giới và có mức phí là 1.500 đồng/click. Google hiện có tới hàng triệu trang web là đối tác của Adsense và hàng năm sẽ trả cho các trang tin, chủ trang web một số tiền không nhỏ. Nguồn tiền sẽ được lấy từ quảng cáo Google Adwords, một công cụ quảng cáo chính của Google. Như hoayeuthuong.com, chẳng hạn, chi từ 12-18 triệu đồng/tháng cho quảng cáo, trong đó GDN chiếm khoảng 3 triệu, còn lại dùng cho Google Adwords.

Thay vì phải tổ chức hệ thống bán quảng cáo, các tờ báo phó mặc cho Google qua hệ thống Adsense, và Google đi tìm khách hàng để đăng quảng cáo hiển thị. Các chuyên gia thì dùng khái niệm CTR (click through rate) để tính toán hiệu quả của quảng cáo, tức số lần click vào quảng cáo dựa trên 1.000 lượt hiển thị. Chỉ số càng cao thì quảng cáo càng hiệu quả. Tỷ lệ ăn chia được Google công khai: chủ trang web 62%, Google 32%, một mức được coi là cực kỳ hấp dẫn. Tỷ lệ chi trả quảng cáo hấp dẫn của Google dường như đang làm dấy lên một cuộc đua quyết liệt để kiếm tiền từ Google Adsense của nhiều trang tin, tờ báo, diễn đàn.

Các tờ báo đua nhau sử dụng Adsense, tờ càng nhiều người đọc thì càng nhiều click, càng nhiều lượt hiển thị, đồng nghĩa với tiền chảy về túi càng nhiều. Khá nhiều thủ thuật được các trang web sử dụng, từ tạo ra lưu lượng thông tin chuyển đến và đi, tạo nên các nội dung hấp dẫn, thu hút người đọc hay thủ thuật tối ưu hóa tìm kiếm, gọi là SEO, nhằm tạo lượng khách truy cập đến trang. Các nội dung tin bài cũng được xây dựng hấp dẫn, câu khách và chứa những từ khóa đã được mua, đồng thời khuyến khích người truy cập nhấp lên đường dẫn quảng cáo. Đó dường như là câu trả lời cho một cuộc chạy đua của những bài báo giật gân, câu khách trong thời gian qua sẽ vẫn chưa dừng lại.

Phi Tuấn - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,