Chuyển đến nội dung chính

Những cơ hội bỏ lỡ và chặng đường phía trước

Giáo sư Đặng Phong: Cái sự nghiệp Đổi Mới của Việt Nam không phải là 20 năm đâu. Nếu chỉ có 20 năm thì không nói hết Đổi Mới. Trước khi có Đổi Mới thì có hàng loạt những sự kiện dẫn tới Đổi Mới, đó là một lịch sử nữa, có thể nói đó là giai đoạn tiền sử của Đổi Mới.

Ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài nghiên cứu về Đổi Mới ở Việt Nam cũng đã nhiều, tôi xin nói những hiểu biết của tôi về lĩnh vực này.

Đổi Mới của Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Nó không bắt nguồn từ một sáng kiến của trung ương, hoặc của địa phương. Nó bắt nguồn từ một hiện tượng mà chúng tôi gọi là 'cai sữa'. Đó là hiện tượng từ sau 1975-76, Việt Nam đột ngột bị giảm sút các nguồn viện trợ từ bên ngoài vào.

Viện trợ của Mỹ cho miền Nam khoảng một tỷ đô la mỗi năm đột ngột chấm dứt. Viện trợ của các nước Xã hội Chủ nghĩa và các nước thế giới thứ ba cho Miền Bắc Việt Nam và sau này cho nước Việt Nam thống nhất cũng đột ngột giảm sút từ năm 1978. Cái giảm sút này không dễ nhìn thấy như viện trợ của Mỹ. Viện trợ của Mỹ hết là hết luôn. Viện trợ của các nước cho Việt Nam giảm sút theo nhiều cách khác nhau, trong đó có vấn đề giá.

Trước đây, phe XHCN viện trợ cho VN chủ yếu là cho không. Và cái phần cho phải trả nợ thì tính theo giá gần như cho không, đó là giá nội địa của Liên Xô. Từ 1978, Việt Nam bắt đầu tham gia Khối Cộng đồng Tương trợ Kinh tế thì tất cả tiền viện trợ đó phải mua của chính các nước XHCN theo giá mới, gấp bốn, năm lần giá nội bộ cũ. Do đó với một số tiền viện trợ tương tự như vậy, Việt Nam chỉ có thể mua được khoảng một phần ba số lượng hàng hóa. Do đó có một cuộc khủng hoảng thiếu trên tất cả các lĩnh vực, thiếu phân bón, thiếu xăng dầu, thiếu nguyên vật liệu, thiếu hàng tiêu dùng và rất nhiều thiếu khác.

Đó là yếu tố thứ nhất làm cho nguồn vào giảm sút. Yếu tố thứ hai là quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước trong khu vực. Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc làm cho Việt Nam mất một phần rất lớn nguồn viện trợ của Thế giới thứ ba. Và cả mơ ước ba, bốn tỷ đô la tiền bồi thường chiến tranh của Mỹ cũng tan thành mây khói.

Tất cả những sự kiện đó đưa nền kinh tế Việt Nam tới một tình trạng như tôi nói - đó là 'cai sữa'. Không còn bầu sữa viện trợ nữa và người VN bắt đầu nhận thức ra rằng mình phải sống với cái mình làm ra. Và sống với cái mình làm ra là cả một vấn đề vì sau bao năm chiến tranh Việt Nam có sống với cái mình làm ra đâu.
Bây giờ phải sống với cái mình làm ra - đó là một sự khủng hoảng. Cái khủng hoảng đó làm cho cả thể chế kinh tế mà trước đây thấy là duy nhất đúng, là không thể sửa chữa được nay thấy là không được nữa. Nhà nước không cung cấp đủ vật tư cho nông dân, làm sao nông dân giao nộp thóc cho nhà nước theo đúng chỉ tiêu. Nhà nước không cung cấp nguyên vật liệu cho nhà máy, làm sao nhà máy sản xuất được. Người nông dân bắt đầu phải mua phân bón ở ngoài, mua thuốc sâu ở ngoài và khi họ đã phải mua những thứ đó ở ngoài làm sao họ có thể bán cho nhà nước theo giá quy định được nữa. Họ phải bán theo giá cao. Nhà nước không mua thì họ bán ra thị trường.

Bây giờ cũng đã 20 năm rồi nhưng nghĩ lại thời bấy giờ ông còn nhớ những sự kiện, những cách làm việc làm cho cả nền kinh tế rơi vào tình trạng rất khó khăn không?

Nhớ chứ. Một trong những nhiệm vụ chính của nhà sử học là phải nhớ. Tôi có rất nhiều thí dụ nhưng trong khuôn khổ chương trình của các anh, tôi có thể lấy một thí dụ. Đó là tp Hồ Chí Minh, nói đúng hơn là dạ dầy của tp HCM. Thành phố đó từ 300 năm trước đây chưa bao giờ thiếu gạo, sau khi giải phóng xong thì cái dạ dầy của người dân thành phố được giải phóng khỏi gạo.

Đó là chuyện không thể tưởng tượng được. Vì theo kế hoạch quan liêu bao cấp, nhà nước độc quyền quản lý thóc gạo và cung cấp cho thành phố theo chỉ tiêu kế hoạch, 3,6 triệu con người thì có bao nhiêu cân gạo tính đủ. Nhưng bây giờ không mua được gạo của nông dân, Liên Xô và Trung Quốc không viện trợ gạo nữa, lấy đâu ra. Thành phố buộc phải lấy những hạt bo bo, là thứ mà Liên Xô viện trợ để chăn nuôi gia súc cho dân thành phố ăn.
Đó là những chuyện không thể tưởng tượng được, mà những người lãnh đạo thành phố lúc đó không thể chập nhận chuyện đó được. Bây giờ làm thế nào? Họ đứng trước một sự lựa chọn: hoặc là chấp hành quy định của nhà nước là tiếp tục cho người dân ăn hạt bo bo, như bò, như lợn, hoặc là mua lương thực của người nông dân theo giá cao. Và họ đã quyết định phương án hai.

Ngân hàng của thành phố chi tiền, xe của quân đội giúp chuyên chở thóc gạo, công ty lương thực của thành phố mà đứng đầu là một người phụ nữ, mà nếu không phải là một người phụ nữ như bà đó thì khó làm được việc này vì bà đó vốn là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, bà đó đi xuống đồng bằng sông Cửu Long, mua gạo của địa phương theo giá cao, theo giá thị trường, bán cho nhân dân.

Về quy chế nhà nước, như thế là sai giá nhà nước. Nhưng về lương tâm người cộng sản, bà đó làm đúng vì bà đó đã lo cho cái dạ dầy của nhân dân. Và lúc đó những cơ quan trung ương trợn mắt nhìn. Làm như thế là sai nhưng để dân đói còn sai hơn. Đó là cuộc phá rào ngoạn mục. Chúng tôi thường dùng cái chữ là 'đi theo xe cứu thương, xe cứu hỏa để vượt đèn đỏ'. Đèn đỏ là những quy chế của nhà nước, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, chúng tôi được vượt để cứu thành phố.

Nhưng cứu thành phố rồi thì những nơi khác họ thấy rằng 'Ô hay, tại sao chúng tôi phải tiếp tục bán theo giá thấp nhỉ. Và không ở đâu mua được theo giá cũ nữa. Cả nước đã áp dụng giá của Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh là 2,5 để cứu thành phố thay vì 0,52 đồng. Cuộc phá rào đó không chỉ cứu cái dạ dày của người dân thành phố mà còn cứu toàn bộ tầng lớp nông dân của cả nước Việt Nam khỏi giá quy định của nhà nước Việt Nam là 0,52 đồng. Tôi nghĩ đó là một ví dụ thú vị trong trăm ngàn ví dụ khác.

Và kết quả là gì, thay vì nhà nước trị tội bà giám đốc công ty lương thực thì sửa hệ thống giá của nhà nước. Chúng tôi thường nói đùa rằng thay vì xử lý người phá rào thì bây giờ sửa cái hàng rào. Đó là bước đầu của Đổi Mới.

Và Đổi Mới ở Việt Nam cũng diễn ra khi mà Tổng Bí Thư Lê Duẩn, khi đó qua đời vào tháng bẩy năm 1986, đây có phải là một trong những lý do làm cho Đổi Mới diễn ra nhanh hơn không hay kể cả còn Tổng Bí Thư Lê Duẩn còn hồi bấy giờ thì Đổi Mới vẫn là điều tất yếu sẽ phải xảy ra?

Để nghiên cứu về cuộc Đổi Mới ở Việt Nam thì tôi cũng phải tham khảo cái lịch sử chuyển đổi ở rất nhiều nước XHCN khác trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Và có một lần trong một cuộc hội thảo ở Mỹ với một nhóm bạn bè thân mật, tôi có nói một câu mà đến nay họ cứ hay nhắc lại vì họ cho thế là chuyện đúng, tôi không biết có đúng hay không. Nhưng nhiều khi cuộc đổi mới của lịch sử một dân tộc nó đi theo những chiếc xe tang.

Nếu không có cái chết của Stalin thì không có Đại hội XX. Nếu không có đám tang của Mao Trạch Đông thì liệu Đặng Tiểu Bình có làm được cuộc đổi mới ở Trung Quốc không? Tôi nghĩ là không. Việt Nam, tôi không hiểu rõ lắm về Tổng bí Thư Lê Duẩn, nhưng những gì tôi được biết trên những văn bản mà ông đó đã viết thì ông đó là một trong những người đại diện khá tiêu biểu của mô hình kinh tế cũ, với làm chủ tập thể, với đi lên sản xuất lớn XHCN.

Với những tư tưởng đó thì nước Việt Nam khó đổi mới. Nhưng ông Lê Duẩn bắt đầu ốm từ những năm 1985 và đến 86 thì ông đó ốm nặng và đến tháng bẩy thì ông đó qua đời. Sự vắng mặt của ông Lê Duẩn là điều đáng buồn vì dù sao dân tộc Việt Nam cũng mất đi một chiến sĩ cách mạng lừng lẫy. Nhưng về mặt lịch sử của đổi mới kinh tế thì có lẽ sự vắng mặt của ông Lê Duẩn làm cho thông thoáng cái lộ trình Đổi Mới của Việt Nam.

Nhưng ngay sau đó, sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đưa ra những tuyên bố, những hành động rất cấp tiến, thì ông có nhận thấy trong những năm sau đó, cái bước tiến của Đổi Mới trong một chừng mực nào đó nó đã giảm đi và không còn có được cái tốc độ và cái quyết tâm của những ngày đầu?

Đúng, nếu xem xét sự phát triển của các dân tộc trên thế giới nói chung và so sánh với Việt Nam thì có thể thấy rằng sự nghiệp Đổi Mới của Việt Nam nó đi với những đột phá rất ngoạn mục nhưng sau đó nó có những bước tiệm tiến, tôi xin lỗi tôi dùng chữ nho, những bước tiệm tiến, điều chỉnh và tự kiềm chế trong rất nhiều lĩnh vực. Thì đó là đặc điểm sự nghiệp Đổi Mới của Việt Nam. Tại sao? Theo tôi nghĩ có rất nhiều lý do nhưng một trong những lý do rất quan trọng là chính những người đã xây dựng lên cơ đồ của mô hình kinh tế cũ lại chính là những người thực hiện công cuộc Đổi Mới.

Và bây giờ nhìn lại lịch sử của 20 năm vừa qua, ông có thấy ở những giai đoạn nào mà đáng ra Việt Nam đã có thể tận dụng những cơ hội để có những bứt phá xa hơn và rút ngắn thời gian cần thiết để đuổi kịp các nước ở trong khu vực?

Là một người nghiên cứu lịch sử, tôi có nhiều nuối tiếc lắm. Những sự mất mát về những cơ hội vàng của đất nước Việt Nam nhiều lắm. Cái người đánh mất đó, lúc thì phía bên này, lúc thì phía bên kia. Chứ cũng đừng có quy cho riêng người VN làm mất cơ hội.

Người Mỹ trước hết vào những năm 1944-1945 đã lỡ mất một cơ hội vàng để cứu VN khỏi chủ nghĩa thực dân, để bắt tay với chính phủ Hồ Chí Minh kiến tạo một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình. Tôi nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ xin gửi 200 người sang để học kinh nghiệm của Mỹ để xây dựng đất nước Việt Nam. Hàng chục lá thư gửi cho Tổng thống Truman không được trả lời, người Mỹ đã quay đi và một cơ hội vàng đã đánh mất.

Rồi khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hồ Chí Minh không biết bao nhiều lần nài nỉ người Pháp trao độc lập cho Việt Nam và người VN sẵn sàng tạo điều kiện cho người Pháp kinh doanh ở đây, hoạt động ở đây, giáo dục ở đây, phát triển văn hóa ở đây, Việt Nam sẵn sàng đứng trong Khối Liên Hiệp Pháp. Đó là một cơ hội vàng nữa đánh mất không riêng cho Việt Nam mà cho cả nước Pháp. Nước Pháp đau đớn, đầy thương tích sau chiến tranh nếu lúc đó bắt tay với chính phủ Hồ Chí Minh để xây dựng Việt Nam thì nước Pháp đã khác lắm so với bây giờ và Việt Nam cũng đã khác lắm so với bây giờ. Không có cuộc Kháng chiến chín năm, không có cuộc kháng chiến với Mỹ 21 năm. Cơ hội đó đánh mất là do người Pháp.

Một cơ hội nữa là Tổng Tuyển cử vào năm 1956 theo quay định của Hiệp định Geneve. Ông Ngô Đình Diệm, rất đáng tiếc, ông ấy từ chối từ đầu đến chân. Ông ấy không chịu hiệp thương, ông ấy không chịu thực hiện tổng tuyển cử. Và ông ấy thực hiện không phải tổng tuyển cử mà tổng tàn sát trên toàn miền Nam.

Tôi mới đọc hôm qua một tài liệu, nói riêng ở miền Đông Nam Bộ có 21.000 đảng viên mà sau cuộc tổng tàn sát chỉ còn 9000. Nếu như có một tập thể nào, có một đội hình nào nhịn không đánh nhau để cho mười người người ta giết chín thì có ngồi yên được nữa không? Và cuộc chiến tranh bắt buộc phải nổ ra. Lẽ ra là hòa bình, thương lượng và tổng tuyển cử, và tôi nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm nếu tham gia tổng tuyển cử thì ông Hồ Chí Minh đã từng để cho Nguyễn Hải Thần làm Thủ tướng thì ông Ngô Đình Diệm có lẽ cũng không đến nỗi nào.

Nhưng Ngô Đình Diệm đã chọn cái chết của hơn 90 phần trăm những người cộng sản và sau đó ông ấy trả giá bằng chính cái chết của ông đó và cuộc chiến tranh kéo dài. Cái đó là một cơ hội nữa đánh mất mà không phải thuộc chính phủ này. Sau khi chiến tranh kết thúc thì những cơ hội vàng cũng đã đến. Tôi nhớ những tài liệu tôi được đọc, vào khoảng năm 1977, chính phủ Mỹ muốn hàn gắn vết thương của bản thân nước Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam đã giơ tay ra với Việt Nam, muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ, và theo tôi nghĩ nếu lúc đó Việt Nam bắt tay với Mỹ, thì không phải đến bây giờ mới vào được WTO. Và cơ hội đó là trách nhiệm của phía người VN.

Rồi tôi nhớ rằng sau khi giải phóng miền Nam, một đội ngũ rất đông những trí thức, những nhà kinh doanh ở miền Nam gửi kiến nghị cho chính phủ, sau này tôi được đọc những kiến nghị đó, đề nghị phát triển kinh tế, đề nghị mở rộng quan hệ với các nước thế giới thứ ba và phương Tây và họ sẽ là cầu nối. Tôi có gặp một số phó Thủ tướng của chính phủ cũ còn ở lại, họ thiết tha muốn kiến tạo lại đất nước.

Nhưng cuộc cải tạo công thương nghiệp đã xóa sạch tất cả những ước vọng đó. Và một cơ hội vàng nữa cũng đã mất. Cái đó là phía những người hoạch định chính sách hồi đó, mà có thể nói tên những người đó ra. Trước hết là ông Đỗ Mười, lúc đó là Trưởng ban Cải tạo Công Thương nghiệp Trung Ương và tôi không nghĩ là ông Lê Duẩn không biết điều đó. Một cơ hội lớn nữa đã mất. Và bây giờ chúng ta trầy trật để hội nhập với thế giới và phải trả giá rất đắt. Tôi nghĩ rằng những điều kiện nước Mỹ đưa ra cho Việt Nam ngày hôm nay nó nghiệt ngã hơn rất nhiều lần những điều kiện mà chính phủ Carter đưa ra với VN hồi năm 1977.

Kể lại chuyện đó, tôi không có ý định oán trách ai, tôi mong rằng từ những bài học đó người Việt Nam phải rút kinh nghiệm cho thời gian sắp tới. Phải chống bệnh kiêu ngạo, chống bệnh chủ quan để nắm bắt kịp thời những cơ hội nếu không thì mình trả giá, trả giá và trả giá và sự trả giá đó đồng thời có nghĩa là sự tụt hậu.

Và thưa ông, nếu trong lịch sử gần đây thôi, theo ông ở những giai đoạn nào đáng ra Việt Nam đã có thể đẩy sự phát triển lên rất nhiều?

Nếu năm 1975-1976, theo tôi nghĩ, mà tôi vào Việt Nam ngay từ tháng Năm năm 1975, chúng ta chỉ cần thực hiện 50 phần trăm chính sách như hiện nay thôi thì Việt Nam đã khác lắm rồi. Đó là kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường, kinh tế mở với phương Tây, Việt Nam làm bạn với các nước trên thế giới.

Thứ hai, vào những năm 1980, đầu thập niên 80, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do những sai lầm của chúng ta. Đổi Mới xong còn rất nhiều vấn đề lưỡng lự, nhiều vấn đề phải giải quyết. Đảng viên có được làm kinh tế không? Trời ơi, mười năm bàn chưa xong, đến bây giờ mới quyết định. Trong khi thực tế nó đã diễn ra rồi. Có vào WTO không? Tôi nhớ khi bà Madeleine Albright sang đây và tiếp theo đó là cuộc họp ở Auckland ở New Zealand, lẽ ra VN tham gia cái hiệp định thương mại với Mỹ từ lúc đó thì người Mỹ ký cả mười đầu ngón tay. Nhưng Việt Nam lưỡng lự, không ký và bây giờ phải ký với giá đắt hơn rất nhiều. Đó là điều đáng tiếc.

Và ông có tin là trong 20 năm tới, với cách giải quyết vấn đề như hiện nay, với nền chính sách như hiện nay thì VN có thể ở một vị thế thuận lợi để có thể phát triển nhảy vọt trong 20 năm tới?

Trước hết tôi phải nói rằng, tôi đi rất nhiều nước ở Mỹ, ở Châu Âu, ở Úc, tôi gặp rất nhiều người Việt Nam và họ đưa ra rất nhiều những chủ trương mà tôi thấy khó có thể chấp nhận được. Người Việt Nam khó chấp nhận lắm. Tôi thì sốt ruột và nuối tiếc cho những sự chậm trễ trong nước. Nhưng những chuyên gia nước ngoài đưa ra những gợi ý thì tôi thấy rằng đúng là ngồi ở sa-lông của họ, uống rượu whisky để hoạch định ra những phương án đó thôi chứ ở đây không ai chấp nhận chuyện đó được.

Tôi nghĩ rằng con đường của nước Việt Nam sẽ là từng bước tiệm tiến đi trong ổn định nhưng chậm không đạt được tốc độ như nhiều người mong muốn. Vì chúng ta không thể ép cái hệ thống lãnh đạo Việt Nam hiện nay phải làm như chúng ta mong muốn. Vả chăng họ cũng có những lý do của họ và không những họ có lý do mà họ còn có quyền lực. Họ quyết định đi ở mức độ ấy.

Còn đứng ở ngoài hô hoán, phải thế này, phải thế kia, nhưng thử hỏi họ có lực lượng gì để áp đặt dân tộc này phải làm như họ muốn? Và cái dân tộc này liệu có nghe theo họ không?. Riêng tôi, tôi cũng cũng chẳng theo họ. Thà chờ đợi cái hệ thống hiện nay nó chuyển biến từng bước, nhưng là những bước tiến lên với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Gần đây có thể thấy rõ một số lĩnh vực đã khởi sắc, đáng mừng. Và với tốc độ như thế thì tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta cũng không thể đòi hỏi thêm được. Chúng ta hãy chấp nhận.

Và trong giai đoạn sắp tới thì ông nghĩ là điều gì quan trọng hơn? Sức ép đòi hỏi có bước đi mạnh hơn từ bên trong hay sự thúc ép từ bên ngoài qua sự tham gia của VN vào nền kinh tế thế giới như Tổ chức Thương mại Thế giới?

Thực ra thì cũng không nên phân biệt cái gì là bên ngoài, cái gì là bên trong. Sức ép ở bên ngoài chỉ có ý nghĩa khi nó tạo ra lợi ích ở bên trong. Sức ép ở bên ngoài sẽ thông qua lợi ích ở bên trong buộc những xí nghiệp, những địa phương, những ngành phải chuyển đổi vì lợi ích của chính mình. Đó là tác dụng tích cực của sức ép từ bên ngoài. Ở bên trong điều đang ngại ngần nhất là những quyền lực cũ vẫn còn rơi rớt ở đây đó, cả ở cấp cao nhất tới cấp thấp nhất. Cái quyền lực đó đang là trở ngại cho sự phát triển và chuyển đổi. Rất nhiều cơ sở, rất nhiều lĩnh vực người ta chỉ chấp nhận sự chuyển đổi với điều kiện nó không vi phạm lợi ích của người ta.
Cái con đường để đổi mới tiếp tục là làm sao tạo ra cho cái quyền lực đó nó có lợi ích trong sự đổi mới tiếp tục. Đó là bài toán.

Cái vấn đề hiện nay người ta nói tới nhiều nhất, tôi nghĩ đó là vấn đề tham nhũng. Và một trong những điều người ta phàn nàn là người ta không ngại các quan chức chính phủ có vấn đề tư túi, này kia nhưng trong cái tham nhũng đó phải đẻ ra được những lợi ích, phải làm được những công việc xứng đáng, và điều này đang gây bức xúc. Theo ông, những gì đã tuyên bố, đã thực hiện cho tới nay có giải quyết được tham nhũng không?

Trước hết phải nói rằng những gì đã làm cho tới nay là rất tốt, là đáng khen nhưng chưa đủ. Cách đây 5 năm, 10 năm chắc không thể mơ ước có chuyện đưa một ông thứ trưởng, một ông bộ trưởng ra trước quốc hội, trên báo chí vì những chuyện dây dưa vào tham nhũng, đưa một ông tướng công an lên báo chí, bây giờ việc đó người ta đã làm được. Đó là một bước tiến rất lớn nhưng chưa cơ bản. Để chống tham nhũng phải làm thế nào cái lợi ích và tham nhũng ngược chiều với nhau.

Hiện nay trong nhiều lĩnh vực, lợi ích và tham nhũng thuận chiều. Làm thế thế nào để chúng ngược chiều, do pháp luật và do lương tâm nữa chứ. Đừng nghĩ rằng chỉ dùng pháp luật mà giải quyết được chống tham nhũng. Thời Hồ Chí Minh pháp luật rất sơ sài mà có tham nhũng đâu. Mà thời đó thiếu đói hơn rất nhiều. Có một vấn đề nữa đó là lương tâm. Lương tâm xã hội, lương tâm thời đại đang xuống cấp. Hiện nay xã hội chú ý quá nhiều về mặt pháp luật. Đúng, pháp luật và thể chế là rất cần thiết. Không thể có một quốc gia mà không có pháp luật nhưng cũng không thể có một xã hội mà không có lương tâm. Cái lương tri của xã hội là một khía cạnh rất quan trọng để hướng con người ta đi vào cái thiện. Cái này hiện ở Việt Nam rất yếu.

Trước đây thì nó quá mạnh. Thời kháng chiến chống Pháp, có ai nghĩ tới tham nhũng đâu. Lương tâm rất mạnh. Lương tâm có thể đưa con người vào trước lỗ châu mai, đâm vào xe tăng địch được thì làm sao phải tham nhũng.

Nhưng cái lương tâm đó cũng đừng có quy từng con người một họ có lỗi. Lương tâm đó đã bị một thời kỳ rất dài những thứ đạo đức giả, những thứ khẩu hiệu huyênh hoang làm người ta đổ vỡ về mặt lương tâm, người ta không tin vào cái gì nữa. Nhưng cũng đừng cho người ta làm người ta đổ vỡ về mặt lương tâm, người ta không tin vào cái gì nữa. Và bây giờ phải khôi phục lại. Và cũng đáng mừng là xã hội đang phục hồi. Chẳng hạn trong giáo dục, ý kiến rất nhiều và ý đó đang ngày càng mạnh lên là lương tâm, lương tâm và lương tâm. Đến một ngày nào đó lương tâm sẽ đè bẹp những lợi ích bẩn thỉu. Tôi chắc là điều ấy có thể xảy ra và phải chú ý tới điều ấy.

Quý vị có ý kiến gì về bài phỏng vấn này xin gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk hoặc dùng hộp tiện ích bên tay phải

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,