Nhu cầu giải tỏa những bất ổn liên quan đến vấn đề tâm lý của lực lượng nhân sự cấp trung và cao đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các doanh nghiệp.
Vấn đề tâm lý
Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? Có bao giờ bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến stress của sếp hoặc hiểu được những tâm sự của cấp trên không? Trong quá trình làm việc xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp, áp lực vì chỉ tiêu được giao, xung đột với sếp, với vợ (hoặc chồng) thì bạn chia sẻ với ai?... Đó là những câu hỏi thường được ông Huy, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng ở quận Tân Bình, TPHCM, đặt ra cho những ứng viên dự tuyển vào vị trí nhân viên cấp trung và cao.
Cũng theo ông Huy, việc nhân viên hay than phiền, bất mãn với lãnh đạo hoặc với đồng nghiệp giữa các phòng ban là chuyện không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc. “Có những người làm việc lâu năm nhưng không chịu trau dồi kiến thức chuyên môn nên dần dà bị tụt hậu so với các đồng nghiệp trẻ. Có những người được cấp trên giao nhiều việc, được cử đi học các khóa bồi dưỡng kiến thức nhưng vẫn không được tăng lương đâm ra bất mãn với cơ quan. Có trưởng phòng biết tin vợ “chán cơm thèm phở” đâm ra chểnh mảng trong công việc, tinh thần sa sút. Stress bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, dồn nén từ ngày này sang tháng nọ. Một khi khả năng tự kiềm chế của người đó không thể kiểm soát nổi, không tự hóa giải được thì việc xả stress có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đổ ập xuống bất kỳ ai. Tệ hại hơn là stress có thể lây lan từ người này sang người khác trong doanh nghiệp”, ông Huy nói.
Theo ông Huỳnh Văn Cường, Giám đốc Công ty Nhà thép Nam Vinh, quận Bình Thạnh, và bà Phùng Thị Thu Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phú Toàn Thắng, tỉnh Long An, vấn đề bình ổn tâm lý cho nhân viên cấp trung và cao ngày càng được các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm.
Bà Thủy cho rằng hiện vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp quan niệm chăm sóc tinh thần cho nhân viên đồng nghĩa với việc trả lương cao, thưởng nhiều, cho nhân viên đi du lịch trong và ngoài nước mỗi năm vài lần, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nội bộ, có chế độ chăm sóc sức khỏe tổng quát định kỳ, gửi quà tặng nhân dịp sinh nhật, đám cưới… Qua đó nhân viên sẽ cống hiến hết sức mình cho đơn vị.
Những giải pháp
Tại Công ty Phú Toàn Thắng, bà Thủy cho biết trong những năm gần đây mỗi khi đi dự hội thảo, hội nghị hễ thấy có những chương trình liên quan đến việc chăm sóc tinh thần cho nhân viên bà đều triển khai trong công ty. Chẳng hạn như chương trình tập yoga, mở khóa dạy trang điểm cho nhân viên nữ, những buổi hội thảo xây dựng tinh thần làm việc trong nội bộ… Thế nhưng, theo bà Thủy, đó vẫn chưa phải là chương trình bình ổn tinh thần nhân viên một cách dài hạn, xuyên suốt.
“Những gì mà lực lượng nhân sự cấp trung và cao trong công ty đang được hưởng như lương bổng, phương tiện làm việc, chế độ nghỉ dưỡng… chỉ là phần cứng. Trong khi đó phần mềm là vấn đề tinh thần. Vấn đề làm sao để nhịp đập trái tim nhân viên luôn ổn định thì lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực thể hiện một cách tinh tế. Trong thời gian tới, công ty có thể nhờ các chuyên gia tâm lý giải quyết vấn đề này”, bà Thủy nói.
Ông Cường ở Công ty Nam Vinh cũng thừa nhận: đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh, thật khó để tìm ra một cán bộ chuyên trách có thể thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bộ phận nhân sự cấp cao. Cán bộ phụ trách công đoàn thì không phải là chuyên gia tâm lý để có thể lắng nghe, tư vấn những bất ổn về tâm sinh lý của cấp trưởng, phó phòng.
Ông Cường chia sẻ: “Tâm lý của người Việt Nam là muốn người khác hiểu mình nhưng lại không chịu chia sẻ thông tin vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Những người ở vị trí trưởng, phó các bộ phận thường bảo thủ, có góc nhìn rất hạn hẹp. Tôi từng hỏi họ có điểm yếu nào không. Đa phần câu trả lời là “tôi không hề có điểm yếu”.
Cũng theo ông Cường, để hiểu những điều nhân viên muốn giấu kín, bất mãn ngầm trong nội bộ, bế tắc trong đời sống, tinh thần, cách tốt nhất là nhờ các chuyên gia tâm lý. “Tôi nghĩ rằng khi tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý, họ sẽ chịu nói về bản thân nhiều hơn. Họ không sợ nhà tâm lý học thiên vị hoặc sợ lộ thông tin. Về nguyên tắc, các chuyên gia tâm lý mỗi sáu tháng hoặc một năm sẽ có bản báo cáo tổng quát (giữ bí mật về thông tin của từng cá nhân) về sức khỏe tinh thần của đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp. Từ những thông tin đó, người lãnh đạo sẽ biết cách khai thông chỗ nào đang bị tắc, kịp thời ứng xử với chuyện vui buồn mà nhân viên đang âm thầm chịu đựng”.
Theo kết quả khảo sát từ năm 2007 đến nay của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Công Vinh, trong số lượng nhân sự cấp trung và cao nghỉ việc có đến 40% bắt nguồn từ vấn đề tâm lý. Và hiện có đến 60% lãnh đạo doanh nghiệp xác định việc chăm sóc tinh thần cho nhân viên là rất quan trọng, vì họ là tài sản quý giá nhất của công ty.
Ông Vinh cho rằng các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi rất nhiều nếu biết cách chăm sóc tinh thần cho nhân viên. Đó là qua việc gắn kết trong nội bộ, nhân lực ổn định, doanh nghiệp giữ được người tài, năng suất làm việc tăng, tiết kiệm được chi phí. Qua đó nhân viên sẽ tự hào vì sự tinh tế của lãnh đạo, biết cách quan tâm đến những đồng nghiệp khác. Nhờ đó, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh.
33 dấu hiệu để nhận biết tình trạng tinh thần của nhân viên
Dấu hiệu suy giảm năng suất: 1) căng thẳng; 2) hay đưa ra quyết định sai lầm; 3) hay sai sót trong công việc; 4) khó tập trung trong công việc; 5) cảm giác thụ động không muốn làm việc; 6) mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc cấp trên; 7) tương tác với đồng nghiệp hoặc cấp trên kém; 8) cáu gắt, khó chịu, dễ lớn tiếng, tranh cãi; 9) chán nản, trì trệ với công việc; 10) khả năng sáng tạo giảm; 11) nghỉ việc, đi làm trễ nhiều hơn bình thường; 12) mệt mỏi, suy nhược tinh thần không rõ lý do; 13) không thiết lập được mục tiêu, kế hoạch.
Các vấn đề liên quan đến hạnh phúc cá nhân: 14) không xác định được mục đích sống; 15) đối diện với những mất mát tiềm năng; 16) đối diện với những mất mát thật sự (tiền bạc, tài sản, người thân…); 17) mâu thuẫn, khó đưa ra quyết định trước một sự lựa chọn quan trọng; 18) lo lắng về tài chính; 19) có cảm giác cô đơn, trống trải; 20) có cảm giác hờ hững, mất hứng thú với cuộc sống; 21) cảm giác mình bị cô lập, không hòa nhập; 22) khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống.
Mối quan hệ gia đình và bạn bè gặp khó khăn: 23) mâu thuẫn với người thân; 24) Vợ hoặc chồng ngoại tình; 25) lo lắng về việc giáo dục con cái; 26) khó thiết lập được các mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa; 27) gặp khó khăn trong các mối quan hệ tình cảm.
Các vấn đề khác: 28) lo lắng về sức khỏe; 29) thay đổi trong sinh hoạt (khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường không rõ lý do); 30) thay đổi thói quen trong ăn uống (khẩu vị suy giảm, bỏ bữa ăn hoặc ăn nhiều thiếu kiểm soát); 31) gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc; 32) có những mâu thuẫn liên quan đến giới tính; 33) đối phó với cảm xúc không tốt bằng những cách thức tiêu cực (né tránh, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu, thuốc, làm việc quá mức, tự hủy hoại bản thân…).
Tất cả những biểu hiện chỉ thật sự đáng lo khi lặp đi lặp lại sau một thời gian nhất định, ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh hoạt trong đời sống, công việc hàng ngày của chính bản thân hoặc những người xung quanh. Lưu ý, nhiều biểu hiện có thể xảy ra tại một thời điểm.
(Nguồn: Công ty TNHH Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, quận Phú Nhuận, TPHCM)
Nhận xét
Đăng nhận xét