Chuyển đến nội dung chính

Một doanh nghiệp cần bao nhiêu tên?

 Cần có văn bản liên kết và thống nhất các quy định về tên doanh nghiệp và tên thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tránh rắc rối khi sử dụng các loại tên của mình.
Hai tên, ba tên hay nhiều hơn?
Hiện nay, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp được đăng ký ba tên: (i) tên bằng tiếng Việt; (ii) tên bằng tiếng nước ngoài (thường gọi là tên giao dịch hay tên đối ngoại); và (iii) tên viết tắt.
Với quy định tên giao dịch được dịch từ tên tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng, về thực chất doanh nghiệp chỉ còn hai tên là tên bằng tiếng Việt và tên viết tắt. Lý do là tên giao dịch không ổn định và tùy thuộc vào ngôn ngữ được dịch, dịch theo tiếng Anh là A, tiếng Pháp là B, tiếng Nhật là X…
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp cần nhiều tên hơn thế, như tên tiếng Việt - tên bằng tiếng nước ngoài, tên giao dịch bằng tiếng Việt - tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài, tên viết tắt bằng tiếng Việt - tên viết tắt bằng tiếng nước ngoài. Thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng thương hiệu như một loại tên giao dịch. Đây là nhu cầu và một thực tế cần được xem xét.
Đơn cử một trường hợp cụ thể: tên tiếng Việt đầy đủ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam được dịch ra tiếng Anh là “Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade”, tên giao dịch bằng tiếng Việt là “Ngân hàng Công thương Việt Nam” dịch ra tiếng Anh là “Vietnam Bank for Industry and Trade”, tên viết tắt là “Vietinbank”.
Thêm vào đó, khi nhắc đến ngân hàng này, người ta quen gọi là Ngân hàng Công thương. Lúc này, “Công thương”, vốn là một bộ phận có khả năng phân biệt trong tên của ngân hàng này, được sử dụng như một loại tên giao dịch.
Với ví dụ trên, chúng ta có thể thấy tên doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong ba tên mà Luật Doanh nghiệp cho phép. Cần lưu ý là các luật chuyên ngành (như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Luật sư, Luật Công chứng…) không ràng buộc chặt chẽ về việc đặt tên như Luật Doanh nghiệp, do vậy, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo luật chuyên ngành có thể có nhiều hơn ba tên. Điều này cũng tạo ra sự kém bình đẳng, ít nhất là trong việc đặt tên giữa các doanh nghiệp theo luật chuyên ngành và Luật Doanh nghiệp. Việc hạn chế doanh nghiệp trong ba tên (mà thực chất là 2) như Luật Doanh nghiệp là một chiếc áo chật khiến doanh nghiệp cảm thấy bức bối, khó chịu.
Tên doanh nghiệp và tên thương mại?
Ngoài những tên gọi theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp còn có một loại tên khác: tên thương mại theo Luật Sở hữu trí tuệ. Tên thương mại được luật định nghĩa là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt với các tổ chức, cá nhân khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh - tức là khu vực địa lý nơi tổ chức, cá nhân ấy có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Cũng theo luật, tên thương mại sẽ được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt với tổ chức, cá nhân khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh như: (i) có chứa thành phần tên riêng (trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng); (ii) không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; (iii) không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Với quy định trên, tên thương mại có nhiều nét tương đồng với tên doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp cũng yêu cầu tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, cũng như không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ đều không cho phép dùng tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác để làm tên doanh nghiệp hay tên thương mại.
Tuy nhiên, câu hỏi nêu ra là tên thương mại có phải là tên doanh nghiệp không? Hiện chưa có một văn bản nào xác nhận hai vấn đề này. Tên doanh nghiệp và tên thương mại, dù có nhiều điểm tương đồng trong cách đặt tên, nhưng được bảo vệ theo hai góc độ khác nhau: tên doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp bảo vệ như một thành phần cấu thành tư cách pháp lý của doanh nghiệp, còn tên thương mại được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ với tư cách là đối tượng sở hữu trí tuệ.
Thêm vào đó, cơ sở xác lập quyền đối với tên doanh nghiệp và tên thương mại là khác nhau: quyền đối với tên doanh nghiệp phát sinh khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong khi quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp, mà không cần đăng ký với cơ quan nào. Như vậy, theo logic mà nói, tên doanh nghiệp chính là tên thương mại nhưng tên thương mại chưa hẳn là tên doanh nghiệp. Phạm vi của tên thương mại có thể rộng hơn tên doanh nghiệp.
Câu hỏi tiếp theo là doanh nghiệp có thể có nhiều tên thương mại hay chỉ có một tên thương mại duy nhất? Vấn đề này cũng đang bị bỏ ngỏ. Như đã phân tích ở trên, Luật Sở hữu trí tuệ không cấm doanh nghiệp cùng lúc sử dụng từ hai tên thương mại trở lên. Theo hướng đó, doanh nghiệp có quyền sử dụng hơn một tên thương mại, miễn là doanh nghiệp chứng minh việc sử dụng hợp pháp tên thương mại của mình theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến tên doanh nghiệp và tên thương mại, luật pháp của Úc thừa nhận việc doanh nghiệp được quyền đăng ký tên thương mại riêng theo luật về tên thương mại (Business Name Act) và doanh nghiệp có thể đăng ký cùng một lúc nhiều tên thương mại. Đây cũng có thể là một hướng đi mà các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo khi giải quyết mối quan hệ giữa tên thương mại và tên doanh nghiệp.
Như đã phân tích, doanh nghiệp hiện ít có sự chọn lựa trong việc đặt tên theo Luật Doanh nghiệp, vì vậy, cần thiết phải mở rộng quy định về đặt tên theo Luật Doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu hợp lý của thực tiễn. Hơn nữa, quy định về tên của doanh nghiệp được quy định trong cả Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ và do hai hệ thống này là tách biệt, chắc chắn phát sinh mâu thuẫn trong việc đặt, sử dụng tên doanh nghiệp và tên thương mại. Vì thế cần có văn bản liên kết và thống nhất các quy định về tên doanh nghiệp và tên thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tránh rắc rối khi sử dụng các loại tên của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,