Chuyển đến nội dung chính

Kinh doanh theo chuỗi: Đường rộng nhưng không dễ đi

Kinh doanh theo chuỗi cửa hàng đang phát huy thế mạnh về mặt quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nhưng về hiệu quả thì vẫn còn nhiều điều phải xem lại.

Nhận diện mô hình kinh doanh chuỗi

Cùng với “làn sóng” franchise (kinh doanh nhượng quyền) đang nở rộ, tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng với tốc độ phát triển khá nhanh. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ước tính vài năm gần đây, mô hình kinh doanh chuỗi tăng từ 20 - 30%/năm. 

Trong kinh doanh theo chuỗi, riêng kinh doanh nhượng quyền Việt Nam, sẽ tiếp tục tăng mạnh và đạt khoảng 642 tỷ đồng vào năm nay.

Kinh doanh chuỗi tại Việt Nam phát triển nhanh là vì hợp với xu thế của thế giới và thị trường tại Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Xét về lợi thế, kinh doanh chuỗi giúp thương hiệu dễ tạo ấn tượng trong lòng người tiêu dùng vì hệ thống nhận diện đặc trưng, đồng nhất, dịch vụ khác biệt, đi đâu cũng bắt gặp thương hiệu. 

Mặt khác, với sự đầu tư bài bản, kinh doanh chuỗi dễ làm người tiêu dùng tin vào uy tín, sự chuyên nghiệp của chủ thương hiệu. Ngoài ra, giá cả ở các chuỗi cửa hàng cũng tạo sức cạnh tranh bởi khi kinh doanh theo chuỗi, doanh nghiệp sẽ mua được nguyên vật liệu giá sỉ, giảm được chi phí marketing, quảng bá thương hiệu.

Hiện kinh doanh chuỗi có hai hình thức phổ biến, một là doanh nghiệp sau khi xây dựng thương hiệu sẽ bán lại theo kiểu franchise như Kinh Đô, Vissan..., hai là doanh nghiệp tự mở chuỗi cửa hàng và tự quản lý như Highlands Coffee, Viễn Thông A, Cơm tấm Kiều Giang...

Với hình thức franchise, các thương hiệu như Phở 24, Cà phê Trung Nguyên, Nino Max, Foci, Giày T&T, Kinh Đô... đã khá thành công khi không chỉ phát triển mạnh cửa hàng trong nước mà còn vươn ra nhượng quyền ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, để bán được “nhượng quyền” thì các doanh nghiệp này phải chứng tỏ được tiềm năng kinh doanh, sức hút của thương hiệu và cũng phải đối mặt với nguy cơ bị giảm uy tín nếu quản lý không tốt và bên nhận nhượng quyền không thực hiện đúng cam kết. 

Về phía các doanh nghiệp tự mở chuỗi cửa hàng, mức độ rủi ro sẽ cao do số tiền đầu tư lớn, vì vậy, với hình thức này, phải có bước đi thận trọng hơn, chấp nhận chậm mà chắc.

Đua nhau mở chuỗi

Khởi đầu thành công từ Trung Nguyên với gần 500 cửa hàng trên toàn quốc, sau đó là Phở 24, mô hình cửa hàng chuỗi của các doanh nghiệp trong nước bắt đầu lan rộng, nhất là hai, ba năm gần đây với hàng loạt thương hiệu như Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, Trà sữa Hoa Hướng Dương, Cháo Cây Thị, Cửa hàng di động Mai Nguyên, Cơm tấm Cali, Brodard, Phở Hùng, Nhà hàng món Huế, Wrap & Roll, Highland Coffee, Cơm tấm Mộc, Bánh mì ăn nhanh Go & Eat, Bami Gion, Chop Chop...

Để cạnh tranh với chuỗi cửa hàng nhượng quyền từ nước ngoài và “tranh thủ” thị trường còn có nhiều khoảng trống, hầu hết các thương hiệu này đều có kế hoạch mở thêm cửa hàng vào những năm tới. 

Với hệ thống 40 cửa hàng, Thế Giới Di Động đang mở tiếp 20 cửa hàng nữa trong năm 2010, Wrap & Roll dự kiến mỗi năm tiếp theo sẽ mở thêm 2 cửa hàng (hiện đang có 10 cửa hàng), Trà sữa Hoa Hướng Dương phát triển thêm cửa hàng về miền Tây và Đông Nam bộ, Phanier mở thêm 5 - 10 cửa hàng vào năm 2010, Saigon Co.op đến năm 2012 sẽ mở thêm 20 chuỗi cửa hàng Co.op Food với vốn đầu tư mỗi cửa hàng từ 2 - 10 tỷ đồng...

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các thương hiệu nước ngoài cũng đua chen cạnh tranh, chuỗi cửa hàng cà phê bánh ngọt NYDC sẽ mở thêm 10 cửa hàng vào năm 2010 và 20 cửa hàng trong 5 năm tới, Tous Les Jours cũng tuyên bố từ nay đến năm 1012 sẽ đạt chỉ tiêu 200 cửa hàng tại Việt Nam.

Trong cuộc đua này, do các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về vốn, bề dày thương hiệu, kinh nghiệm nên thế mạnh vẫn thuộc về các thương hiệu nước ngoài. Thực tế, ở các thành phố lớn, hầu hết các vị trí đắc địa đều do các “đại gia” ngoại chiếm lĩnh. 

Mới đây, tại hội thảo “Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những hệ lụy đối với Việt Nam” do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Mutrap (Dự án thương mại hỗ trợ đa biên) tổ chức tại Tp.HCM, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết: “Nhà nước cứ khuyến khích các siêu thị mở chuỗi hệ thống nhưng Co.op Mart muốn tìm vài ha đất ở Hà Nội thì kiếm không ra, còn Metro xin 10ha thì được ngay”.

Cũng vì thiếu kinh nghiệm mà đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam phải thất bại, kể cả những thương hiệu được coi là thành công như Phở 24 cũng từng phải đóng cửa 3 cửa hàng nhượng quyền, một ở Singapore và hai ở Việt Nam. Hoặc như Trung Nguyên từng nổi bật với chuỗi cửa hàng cà phê mang phong cách riêng, nhưng hiện nay cũng đang mất dần số lượng và lại bị o ép bởi sự nhập cuộc của Highland Coffee khi đối thủ nội này chiếm giữ những vị trí đẹp ở các thành phố lớn với “phong cách ngoại”.

Lữ Ý Nhi 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các...

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương tr...

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biế...