Chuyển đến nội dung chính

Bối cảnh hợp đồng

Nếu hợp đồng là một bức tranh thì bối cảnh chính là tờ giấy vẽ tranh. Bức tranh sẽ như thế nào nếu các bên ký kết chưa biết được tờ giấy của mình to hay nhỏ, vuông hay tròn?

Câu hỏi này có thể khiến một số người giật mình vì không nhiều người nghĩ đến bối cảnh khi soạn hợp đồng.

Hợp đồng cần bối cảnh

Hợp đồng là công cụ pháp lý không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Một khi được ký kết, hợp đồng chính là “luật” của các bên tham gia. Như những văn bản khác, hợp đồng thể hiện một hoàn cảnh cụ thể với những bên cụ thể, những mong muốn cụ thể.

Sẽ không có một hợp đồng mẫu phù hợp với mọi hoàn cảnh và mọi đối tượng. Bối cảnh khác nhau thì hợp đồng sẽ khác nhau, bối cảnh thay đổi thì hợp đồng cần phải thay đổi theo. Vậy bối cảnh hợp đồng là gì và ảnh hưởng như thế nào đến giá trị pháp lý của hợp đồng?

Bối cảnh hợp đồng ghi nhận những sự kiện, hoàn cảnh làm cơ sở cho các bên ký kết, như tư cách, chức năng của các bên, địa vị kinh tế, cơ sở pháp lý, kết quả mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng, sơ lược nội dung giao dịch…

Những sự kiện trong phần bối cảnh là những thông tin tiền đề cho việc ký kết, thực hiện hợp đồng. Trong một hợp đồng cụ thể, bối cảnh thường được nêu ngay trong phần “căn cứ”, “dẫn nhập” hoặc “recital”, “whereas” trong các hợp đồng thương mại quốc tế.

Phải nhìn nhận rằng phần bối cảnh hợp đồng hiện còn khá xa lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Có nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan giải thích cho thực tế này. Hoặc do bản thân bối cảnh không phải là phần bắt buộc trong hợp đồng vì không có phần này, hợp đồng vẫn hợp pháp. Hơn nữa, do không có chuẩn mực chung nên không có một định nghĩa hoặc giới hạn cụ thể nào về bối cảnh của hợp đồng.

Bên cạnh đó, phần bối cảnh chỉ nêu những sự kiện định tính hoặc những tuyên bố chung chung nên đôi khi khiến các bên cảm thấy hợp đồng dài thêm và tưởng rằng đó là phần vô thưởng, vô phạt. Hoặc do trong một thời gian dài, hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện theo chỉ tiêu pháp lệnh. Vì vậy, hợp đồng thường là những điều khoản ngắn gọn dạng “mệnh lệnh quân đội” như “căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế…”.

Dù Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã được thay thế bằng Bộ luật Dân sự từ ngày 1/1/2006 nhưng những căn cứ như vậy vẫn tồn tại như một thói quen dai dẳng!

Hoặc do chủ quan, doanh nghiệp Việt Nam có thói quen tự soạn hợp đồng mà ít thuê dịch vụ. Đa phần những hợp đồng được soạn thảo nội bộ chú ý nhiều đến khía cạnh thương mại (giá cả, số lượng, thanh toán, giao hàng…) mà không quan tâm nhiều đến khía cạnh pháp lý, do vậy, hầu như không quan tâm đến phần bối cảnh.

Hơn nữa, hợp đồng soạn thảo nội bộ thường dựa trên một hợp đồng đã ký kết và thực hiện trước đây, và theo chủ nghĩa kinh nghiệm, doanh nghiệp không có nhu cầu đặc định hóa từng hợp đồng, nghĩa là ít doanh nghiệp nào đặt ra câu hỏi rằng điều mình mong muốn trong hợp đồng này có khác mong muốn trong hợp đồng trước kia không?

Giá trị của bối cảnh hợp đồng

Trước tiên, bối cảnh làm cho hợp đồng sáng sủa hơn và dễ nắm bắt hơn. Bên cạnh đó, bối cảnh còn kiểm chứng sự trung thực của các bên. Các bên còn bị ràng buộc bởi các sự kiện, tuyên bố đã nêu trong phần bối cảnh.

Do vậy, khi một bên cố ý đưa những thông tin không trung thực dẫn đến việc bên còn lại đồng ý ký kết hợp đồng, thì bên bị thiệt hại có quyền viện dẫn những thông tin đã được cung cấp sai để đòi bồi thường những thiệt hại phát sinh từ việc ký kết, thực hiện hợp đồng.

Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, một bên có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng vì bị lừa dối nếu những thông tin nêu trong phần bối cảnh được xem là những yếu tố quyết định đến việc có ký hợp đồng hay không.

Tuy nhiên, giá trị quan trọng nhất của phần bối cảnh là thiết lập quyền thương lượng lại khi bối cảnh thực tế thay đổi so với bối cảnh khi ký hợp đồng để cân bằng lợi ích của các bên.

Nói cách khác, trong trường hợp có sự thay đổi về hoàn cảnh, hoặc xuất hiện những sự kiện mới khiến việc thực hiện hợp đồng trở thành gánh nặng cho một bên hoặc khiến mục đích ban đầu của hợp đồng không thể đạt được thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu thương lượng lại để thay đổi hay chỉnh sửa nội dung hợp đồng.

Chẳng hạn doanh nghiệp A ký hợp đồng với đối tác để đầu tư hệ thống sản xuất bia tươi tại nhà hàng trên tầng 10 của khách sạn do doanh nghiệp A đang xây dựng. Tuy nhiên, khi đến hạn nhận thiết bị thì khách sạn chỉ được xây tám tầng do cơ quan hữu quan lo ngại chiều cao của khách sạn sẽ phá vỡ cảnh quan xung quanh.

Sau khi tính toán, A thấy rằng việc kinh doanh nhà hàng và quán bar trong điều kiện khách sạn chỉ có tám tầng không hiệu quả và muốn hủy hợp đồng cung cấp thiết bị sản xuất bia, nhưng đối tác không đồng ý vì hợp đồng không ghi nhận việc hệ thống này sẽ đặt tại tầng nào của khách sạn. Vì vậy, A buộc phải nhận thiết bị rồi lại nhờ chính đối tác bán lại với giá chỉ bằng một nửa.

Trong trường hợp này, bối cảnh của hợp đồng đã thay đổi, tức là không có một nhà hàng trên tầng 10 của khách sạn. Nếu các bên có ghi rõ bối cảnh trên trong hợp đồng, A hoàn toàn có quyền thương lượng lại để điều chỉnh hợp đồng vì mục đích của A khi ký kết hợp đồng đã không đạt được.

Một nguyên tắc cơ bản trong hợp đồng là nguyên tắc thiện chí. Theo đó, yêu cầu các bên trong hợp đồng không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn quan tâm đến lợi ích của đối tác để cả hai cùng có lợi và bình đẳng ở góc độ nào đó. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức các bên tham gia sẽ chỉ ký hợp đồng nếu có lợi, và vì vậy nếu một bên không những không được lợi mà còn thiệt hại thì sẽ chẳng cần tham gia.

Vì thế, ngay cả khi hợp đồng không quy định quyền thương lượng lại, thì dựa trên nguyên tắc thiện chí, các bên vẫn có thể thương lượng lại hợp đồng để cân bằng lợi ích khi một bên bị thiệt hại lớn do sự thay đổi của bối cảnh. Do vậy, việc ghi nhận quyền thương lượng lại không phải là vô nghĩa và hoàn toàn không trái với bản chất của hợp đồng - một sự thỏa thuận có lợi cho các bên tham gia. 

Trong thực tế, để hiện thực hóa nguyên tắc này, các bên thường đưa quyền thương lượng lại vào hợp đồng bằng một điều khoản đặc biệt, điều khoản hoàn cảnh khó khăn (hay điều khoản hardship), cho phép một bên có quyền thương lượng lại hợp đồng khi bối cảnh thay đổi khiến bên đó bị bất lợi đáng kể từ hợp đồng.

Điều khoản này đặc biệt có ích đối với những hợp đồng được thực hiện trong một thời gian dài vì thời gian càng dài, những rủi ro do thay đổi bối cảnh càng lớn. Điều đáng suy nghĩ là điều khoản “hardship” được sử dụng rộng rãi trong các hợp đồng quốc tế lại hầu như vắng bóng trong các hợp đồng của doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

* Tại Việt Nam hiện có rất ít quy định pháp luật điều chỉnh về quyền thương lượng lại trong trường hợp bối cảnh thay đổi mặc dù có khá nhiều các tranh chấp phát sinh từ việc thay đổi bối cảnh đối với hầu hết các loại hợp đồng.

Theo điều 20, Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi có sự thay đổi yếu tố làm cơ sở cho việc tính phí bảo hiểm dẫn đến việc giảm hoặc tăng các rủi ro được bảo hiểm thì người mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đề nghị tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng.

Thông tư 05/2008 của Bộ Xây dựng cho phép các bên trong một số trường hợp cụ thể được điều chỉnh giá hợp đồng do có sự biến động về giá vật liệu sử dụng trong xây dựng.

Đối với trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng trong hợp đồng trúng thầu thì theo điều 57 Luật Đấu thầu, các bên có quyền đề nghị điều chỉnh hợp đồng. 

ThS. Trần Thanh Tùng - LS. Cao Thị Hà Giang 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Các nguyên tắc của COBIT 5

Nguyên tắc thứ 1: Đáp ứng nhu cầu các bên liên quan (Meeting stakeholder needs) Doanh nghiệp tạo ra giá trị cho các bên liên quan bằng việc duy trì cân bằng giữa lợi ích, rủi ro và nguồn lực.  COBIT 5 cung cấp các quy trình cần thiết và các điều kiện cần thiết (enabler) nhằm hỗ trợ việc tạo ra các giá trị kinh doanh thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có các mục tiêu khác nhau nên một doanh nghiệp có thể tùy biến COBIT 5 để phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp thông qua mục tiêu kinh doanh, biến đổi từ mục tiêu kinh doanh chung thành các mục tiêu chi tiết mà có thể quản lý được, có các đặc tả chi tiết và ánh xạ các mục tiêu đó vào các quy trình, các thực hành của mục tiêu CNTT. Các tầng mục tiêu (goals cascade) đạt được thông qua bốn bước: Bước 1: Định hướng của các bên liên quan ảnh hưởng đến nhu cầu của các bên liên quan. Bước 2: Nhu cầu của các bên liên quan tác động vào mục tiêu của doanh nghiệp.   Nhu cầu của các bên liên

Quản trị công nghệ thông tin

"Theo định nghĩa của OCED, quản trị doanh nghiệp (corporate governance) bao gồm các quy trình để định hướng, kiểm soát và lãnh đạo tổ chức. Quản trị doanh nghiệp bao gồm thẩm quyền, trách nhiệm, quản lý, lãnh đạo và kiểm soát trong tổ chức." Theo Principles of Corporate Governance,  OCED. "Quản trị công nghệ thông tin (IT Governance - ITG) là trách nhiệm của Ban Giám Đốc và các nhà quản lý. Quản trị công nghệ thông tin là một phần của quản trị doanh nghiệp và bao gồm cấu trúc lãnh đạo, cấu trúc tổ chức và các quy trình để đảm bảo công nghệ thông tin của tổ chức được duy trì và mở rộng theo các định hướng chiến lược và mục tiêu của tổ chức'' Theo Board Briefing on IT Governance, 2 nd  Edition,  IT Governance Institute Thông tin là một nguồn lực quan trọng của tất cả các doanh nghiệp và công nghệ giữ một vai trò cũng quan trọng từ khi thông tin được hình thành đến khi thông tin bị phá hủy.  Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và trở nên phổ biến hơn

MỤC 2.1: TẠO GIÁ TRỊ (CREATING VALUE)

Các dự án tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, chẳng hạn như một cơ quan chính phủ, tổ chức hoặc thỏa thuận hợp đồng. Để ngắn gọn, tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ tổ chức (organization) khi đề cập đến các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các thỏa thuận hợp đồng, liên doanh và các thỏa thuận khác. Tổ chức tạo ra giá trị cho các bên liên quan. Ví dụ về các cách mà các dự án tạo ra giá trị bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Tạo sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người dùng cuối; Tạo ra những đóng góp tích cực cho xã hội hoặc môi trường; Cải thiện hiệu quả, năng suất, hiệu quả hoặc khả năng đáp ứng; Thực hiện các thay đổi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tổ chức sang trạng thái mong muốn trong tương lai; và Duy trì các lợi ích được kích hoạt bởi các chương trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trước đó. 2.1.1 CÁC THÀNH PHẦN CUNG CẤP GIÁ TRỊ (VALUE DELIVERY) Có nhiều thành phần khác nhau, chẳng hạn như danh mục đầu tư, chương trình,