(TBKTSG) - Trong doanh nghiệp, vốn tri thức (intellectual capital) thể hiện thông qua con người, cấu trúc tổ chức, tài sản tri thức (intellectual assets) và sở hữu trí tuệ (intellectual properties). Việc hiểu và đo lường vốn tri thức sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Vốn tri thức và tài sản tri thức
Con người sở hữu tri thức của mình. Bản thân mỗi người là một nguồn vốn tri thức. Khi tham gia vào một doanh nghiệp, họ sẽ trở thành tài sản tri thức của doanh nghiệp. Nguồn vốn này có thực sự phát huy, trở thành một tài sản giá trị hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đôi khi nguồn vốn tri thức tốt chưa chắc đã trở thành một tài sản giá trị.
Mỗi doanh nghiệp đều có vốn tri thức. Nguồn vốn này thể hiện ở bản quyền tác giả, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm kinh doanh, cơ sở dữ liệu, lòng tin vào nhãn hiệu và sự tài tình của các nhà quản trị cấp cao. Vốn con người, một phần của vốn tri thức, cũng được xem là tài sản vô hình như những tài sản vô hình khác của doanh nghiệp như uy tín, hình ảnh và nhãn hiệu. Những tài sản vô hình này cùng với các tài sản hữu hình khác như tiền và hữu sản trong doanh nghiệp hình thành nên thị giá của tổ chức kinh doanh.
Kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ của nhân viên tạo nên vốn con người trong tổ chức. Nguồn vốn này được tiếp thu, tích lũy và chuyển giao qua thời gian, tạo nền tảng vững chắc cho tổ chức phát triển.
Tài sản vô hình như tài liệu sản xuất, cấu trúc tổ chức hình thành vốn cấu trúc. Nguồn vốn này là hạ tầng hỗ trợ cho vốn con người, đồng thời động viên nhân lực tạo ra và phát triển tri thức. Những biểu hiện cụ thể của kiến thức có thể sở hữu và trao đổi kinh doanh được gọi là tài sản tri thức. Nếu tài sản tri thức được pháp luật bảo chứng sẽ trở thành sở hữu trí tuệ. Có năm loại sở hữu trí tuệ là bản quyền (patents), tác quyền (copyrights), thương quyền (trademarks), bí mật thương mại (trade secrets), và bí quyết (know-how). Tuy nhiên, doanh nghiệp thường khó lượng hóa (hay vốn hóa) những cơ hội do vốn tri thức tạo ra bởi vì chưa có phương pháp nhận dạng và đo lường những tài sản tri thức mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Những khía cạnh khác của vốn tri thức bao gồm các yếu tố như các quan hệ kinh doanh với đối tác, sự trung thành của khách hàng, kiến thức và năng lực của nhân viên. Lợi ích của việc đầu tư vào các kỹ năng cho nhân viên cũng giống như lợi ích từ việc đầu tư vào những tích sản khác. Nhưng sự so sánh này có giới hạn bởi doanh nghiệp có thể sở hữu tích sản nhưng khó có thể sở hữu con người.
Những cách ghi chép kế toán truyền thống không thể hiện được sự khác biệt giữa giá trị sổ sách và thị giá doanh nghiệp. Đó chính là giá trị tạo ra của tài sản tri thức. Có một khoảng cách lớn giữa giá trị của doanh nghiệp trên bảng cân đối tài khoản và đánh giá của nhà đầu tư về những giá trị này. Trong hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, sự đánh giá của thị trường chủ yếu thể hiện ở nhãn hiệu (brand) nhưng chưa thấy được vốn tri thức trong đó. Lịch sử kinh doanh cho thấy rằng những khoản đầu tư lớn vào vốn con người là công cụ chính tạo ra giá trị nhưng thường lại không thể hiện trên bảng cân đối tài sản. Những giá trị của tài sản tri thức như bản quyền tác giả hay thương quyền lại không được đánh giá vì giá trị của những tài sản này chỉ có thể sử dụng trong tương lai nhưng lại được ghi nhận là chi phí.
Nếu không được tận dụng và áp dụng triệt để, tài sản tri thức không tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể nào quản lý tri thức nếu không biết nhận dạng và sử dụng loại tài sản này.
Sử dụng vốn tri thức
Vốn con người là một trong những yếu tố chính của thị giá doanh nghiệp, đồng thời giá trị này cũng nên được thể hiện trong tài khoản doanh nghiệp để nhà đầu tư hay những ai quan tâm thấy được tổng giá trị của doanh nghiệp. Trong đó cần làm nổi bật tài sản vô hình và tài sản hữu hình.
Quá trình xác định các đại lượng cũng như thu thập và phân tích thông tin liên quan đến những đại lượng này sẽ giúp doanh nghiệp nhận thấy cần phải làm gì để tìm kiếm, lưu giữ, phát triển và tận dụng hiệu quả nguồn vốn con người. Đo lường giá trị nguồn vốn con người có thể dùng làm cơ sở cho các chiến lược nhân sự liên quan đến phát triển các năng lực cốt lõi của tổ chức. Những đại lượng này có thể được dùng để kiểm soát quá trình tiến bộ trong việc thực thi và đạt các mục tiêu nguồn nhân lực và đánh giá thành quả trong công tác quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Đặc biệt là làm cơ sở cho vấn đề đào tạo, đãi ngộ và khen thưởng.
Tuy nhiên, rất khó có thể đặt các con số vào các giá trị tài sản con người bởi những giá trị như vậy phải dựa trên những giả thiết mà không phải ai cũng chấp nhận. Ngoài ra, độ tin cậy của các đại lượng đó không được kiểm chứng bằng những biện pháp đảm bảo. Các chuẩn mực kế toán truyền thống chưa có các hướng dẫn về cách ghi chép giá trị của các tài sản này. Tài sản vô hình có thể ở dạng như bản quyền, uy tín, chi phí nghiên cứu và phát triển nhưng lại không đề cập đến kiến thức của nhân viên, những thành quả xuất sắc đã đạt được, những khoản đầu tư cho đào tạo.
Rất khó có thể định giá trị của vốn con người nhưng sự mất mát của vốn con người cũng tốn kém không ít. Các báo cáo tài chính không cho thấy được sự mất mát vốn con người, nhưng những tác động của sự kiện này có thể thấy được. Nghiên cứu của KPMG (1999) cho thấy rằng sau khi mất đi những nhân viên chủ chốt, 43% các tổ chức gặp phải những thiệt hại liên quan đến quan hệ của khách hàng, 50% cho rằng mất đi những thông tin quan trọng, và 10% cho rằng thu nhập của doanh nghiệp giảm đáng kể.
Để tính giá trị của vốn tri thức, các nghiên cứu cho rằng đối với những công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá trị của vốn tri thức là sự khác biệt giữa thị giá và giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí để quản lý những tri thức này cũng không nhỏ và cũng khó đo lường. Vì không thể định nghĩa rõ chi phí của quản lý tri thức, các doanh nghiệp khó có thể tính toán hiệu ứng trên các bảng báo cáo tài chính. Sự khác biệt giữa vốn tri thức và vốn tài chính thể hiện ở một điểm: vốn tài chính phản ánh sự tiến bộ và thành tựu trong quá khứ, vốn tri thức phản ánh chính xác hơn sự tăng trưởng và thành quả trong tương lai.
Vấn đề của doanh nghiệp là làm thế nào để tạo ra, duy trì và phát triển nguồn vốn tri thức. Giá trị của nguồn vốn có thể tăng lên do đầu tư và ứng dụng, nhưng để những giá trị này thực sự có giá trị thì cần có môi trường vận dụng. Đối với doanh nghiệp, công việc sẽ phức tạp hơn, vừa phải huy động, phát triển và sử dụng nguồn lực để tạo ra phần lưu của nguồn vốn. Giá trị có thực sự tạo ra hay không còn phụ thuộc vào sự phát triển bền vững của nguồn vốn. Hơn thế nữa, nguồn vốn này cũng dễ dàng mất vào tay đối thủ, vì vậy cần quản lý nguồn vốn này một cách cẩn trọng.
Với bản thân nhân viên, họ có thể tự đào tạo hoặc nhận sự đào tạo của tổ chức để cải tiến phần trữ vốn của mình, nhưng cũng cần có môi trường để tạo ra giá trị thực. Đối với từng nhân viên, họ có quyền kỳ vọng sẽ thu lợi từ việc đầu tư thời gian và nỗ lực trong tổ chức dưới hình thức phát triển kỹ năng và khả năng; họ sẽ có cơ hội để tăng khả năng có được việc làm ngay cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp. Việc này đồng nghĩa với giá trị nguồn vốn có thể thay đổi khi được sử dụng ở các môi trường khác nhau.
(*) Giám đốc chương trình Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TPHCM
Nhận xét
Đăng nhận xét