Bạn có hào hứng với công việc đang làm hay phải “cố gắng” bước đến công ty mỗi ngày? Bạn hài lòng với vị trí hiện tại hay đó lại là điều bạn đang tìm kiếm? Chúng ta đều dành hầu hết thời gian mỗi ngày tại nơi làm việc, vì vậy đừng “nhốt” mình với một công việc không mang lại niềm vui.
Hãy thử kiểm tra lại mức độ hài lòng trong công việc của bạn từ những tiêu chí sau:
1. Hướng phát triển
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng, bạn không thể hài lòng nếu công việc đó không giúp bạn phát triển và thăng tiến. Đối với một số người, sự phát triển về kiến thức và kỹ năng là quan trọng nhất; một số khác, ngoài kiến thức, sự thăng cấp mới là quan trọng. Trong cả hai trường hợp trên, sự tiến bộ - phát triển là yếu tố chính góp phần tạo nên sự thỏa mãn trong công việc.
Hãy liệt kê những kỹ năng, kiến thức mà bạn đã học hỏi được trong suốt thời gian qua, bạn sẽ có câu trả lời. Nếu bạn thấy mình vẫn dậm chân tại chỗ, đã đến lúc bạn cần nhìn lại bản thân và công việc để có sự điều chỉnh phù hợp.
2. Mức lương thưởng
Một mức lương thưởng xứng đáng luôn khiến chúng ta hào hứng hơn và nỗ lực thể hiện tốt hơn trong công việc. Vì vậy, đừng tự dối bản thân rằng tiền không quan trọng. Sẽ có một số người làm việc không phải để kiếm sống, mà để bản thân luôn bận rộn. Ngay cả trường hợp này, những cá nhân đó cũng cần được trả lương đúng với mức chuẩn của thị trường.
Bạn có nghĩ mức lương hiện tại là xứng đáng với những gì bạn đang đóng góp cho công ty? Hãy tìm hiểu mức lương cho vị trí của bạn qua internet hay qua bạn bè để có cái nhìn khách quan về mức lương của mình.
3. Trách nhiệm công việc & quyền ra quyết định
Đây là hai yếu tố quan trọng nên cân nhắc khi bạn đánh giá mức độ hài lòng trong công việc của mình. Một khi bạn đảm nhận nhiều trọng trách hơn, bạn sẽ có nhiều quyền quyết định hơn, và mức độ hào hứng trong công việc sẽ tăng theo.
4. Sự an toàn
Tính ổn định và sự an toàn trong công việc luôn là những yếu tố không thể thiếu đối với tất cả mọi người. Tình trạng bấp bênh trong công việc có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất làm việc, tinh thần và sự tự tin của bạn.
5. Sự công nhận
Ai cũng thích được công nhận và đánh giá cao trong công việc. Sự công nhận của cấp trên, của đồng nghiệp rất cần thiết vì điều này sẽ giúp bạn tự tin và tự hào hơn về bản thân. Việc đánh giá kết quả công việc đã tốt hay chưa còn giúp chúng ta phát hiện và trau dồi những khả năng tiềm ẩn của bản thân.
6. Sự hào hứng
“Mình có thực sự yêu thích công việc hiện tại?” – Hãy thường xuyên tự hỏi bản thân câu hỏi quan trọng này. Sự hứng thú trong công việc thường đi đôi với sự hài lòng. Bạn có mong ngóng đến giờ đi làm? Bạn có háo hức chờ kết quả của những việc quan trọng bạn đã hoàn thành ngày hôm trước? Thậm chí trong trường hợp công việc của bạn lập lại mỗi ngày, bạn vẫn cảm thấy đó là niềm tự hào? Nếu tất cả là có thì bạn có thể tin rằng bạn hoàn toàn yêu thích công việc này.
7. Cấp trên & đồng nghiệp
Cảm giác yên tâm và thoải mái khi làm việc với cấp trên, với những người đồng nghiệp một yếu tố rất cần thiết. Bạn sẽ muốn tìm một công việc mới khi phải đối mặt với các mối quan hệ khó chịu tại nơi làm việc, vì bạn thấy thực sự khó khăn khi phải làm việc với những người bạn không thích hay không thể hiểu họ. Bạn không cần cố gắng tìm kiếm những người bạn thân trong các mối quan hệ đồng nghiệp, tuy nhiên việc gầy dựng và duy trì những mối quan hệ đồng nghiệp tốt luôn hữu ích.
8. Thời gian làm việc
Thời gian làm việc kéo dài là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi. Khi đó, bạn sẽ có khuynh hướng dễ phạm phải những sai sót và mất nhiều thời gian hơn vì phải giải quyết những sơ xuất này. Tất cả chúng ta đều có những mối quan tâm khác ngoài công việc. Do vậy, làm việc liên tục không ngừng nghỉ là điều không nên! Nếu phải làm việc ngoài giờ, cần đảm bảo rằng bạn được trả công xứng đáng hoặc có được kiến thức và kinh nghiệm tương xứng. Ngoài ra, điều kiện làm việc ngoài giờ cần phải tạo được sự thoải mái cho bạn.
9. Đặc quyền
Đây là yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng để đánh giá mức độ hài lòng trong công việc. Đặc quyền hay đặc ân được cấp trên “trao riêng” cho bạn dựa trên năng lực và tầm hiểu biết của bạn trong lĩnh vực chuyên môn. Khi có những đặc quyền này, bạn sẽ thấy vị trí của mình trong công ty thực sự quan trọng và sẽ yêu thích công việc đang làm hơn.
Hãy đánh giá mỗi yếu tố trên theo thang điểm từ 1 đến 5, với điểm 5 tượng trưng cho sự hoàn toàn hài lòng với công việc. Nếu hầu hết đánh giá của bạn là 2 hoặc 3 điểm, chứng tỏ bạn không yêu thích và không hài lòng với công việc hiện tại. Đã đến lúc bạn cần tìm một việc làm mới đem lại nhiều hứng khởi hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét