Xuất xứ“Bảy nguyên tắc dạy tốt ở bậc đại học” (Seven Principles for Good Practice in Undergraduate Education) được xây dựng bởi Arthur W. Chickering (George Mason University) và Zelda F. Gamson (University of Massachusetts at Boston) và được phổ biến lần đầu bởi Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ (AAHE) vào năm 1987. Sau đó, Quỹ Johnson đã cho in khoảng 200.000 tài liệu này để phân phát đến các trường đại học ở Hoa Kỳ, Canada và Anh. Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu giáo dục tiếp tục bổ sung những kinh nghiệm triển khai đối với bảy nguyên tắc này nhằm làm cho chúng cụ thể và phù hợp hơn nữa với các điều kiện và hình thức giáo dục hiện nay, ví dụ như hướng dẫn của University of Tennessee at Chattanooga, minh họa của University of Texas at El Paso, tổng hợp của TLT Group. Sở dĩ bảy nguyên tắc này được thừa nhận rộng rãi ở các trường đại học Hoa Kỳ là do chúng đã được đúc kết từ rất nhiều nghiên cứu được tiến hành trên các đối tượng người học và ngành học khác nhau. Đối tượng chính của bảy nguyên tắc này là giảng viên (GV) của các trường đại học, tuy nhiên sinh viên (SV) cần biết để điều chỉnh định hướng học tập của mình, và cán bộ quản lý nhà trường cũng cần biết để hoạch định và hỗ trợ công tác đào tạo tốt hơn.
Nguyên tắc 1: Tăng cường sự tiếp xúc giữa GV và SV
Sự tiếp xúc giữa thầy và trò trong và ngoài lớp học là yếu tố quan trọng nhất giúp khuyến khích sinh viên học tập. GV cần quan tâm giúp SV vượt qua những lúc khó khăn, thử thách để theo đuổi việc học. Việc tiếp xúc với GV giúp cho SV gắn bó với học tập và định hướng tương lai tốt hơn.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- ấn định thời gian tiếp xúc SV tại nơi làm việc
- tổ chức gặp gỡ SV ngoài giờ lên lớp hoặc tham dự các hoạt động của SV
- cố gắng nhớ tên càng nhiều SV càng tốt
- giúp SV giải quyết các thắc mắc nằm trong lẫn ngoài chương trình dạy
- tư vấn cho SV về chương trình học và nghề nghiệp, quan tâm giúp đỡ những SV cá biệt
- khuyến khích SV trình bày quan điểm riêng và tham gia vào các buổi thảo luận
- trao đổi riêng lẽ với SV để tìm hiểu mục tiêu học tập của họ và chia sẻ kinh nghiệm bản thân
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- khuyến khích SV trao đổi qua hệ thống thư điện tử
- định kỳ tổ chức thảo luận trực tuyến cùng SV
- tổ chức các nhóm làm việc theo địa phương
- đến thăm các điểm làm việc nhóm khi có điều kiện
- mời đồng nghiệp cùng tham gia hướng dẫn môn học
Nguyên tắc 2: Khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa SV
Chất lượng học tập trong môi trường làm việc nhóm phát triển tốt hơn so với làm việc cá nhân. Cũng giống như trong làm việc, học tập tốt cần đến sự hợp tác và trao đổi chứ không phải ganh đua và biệt lập. Làm việc nhóm giúp phát triển tính tích cực học tập, chia sẻ và trao đổi ý kiến giúp phát triển trí tuệ và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của mỗi cá nhân.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- khuyến khích mọi SV cùng tham gia trao đổi tại lớp
- tổ chức các nhóm học tập và giao đề tài để SV làm việc nhóm
- tổ chức và khuyến khích SV tự giúp đỡ nhau trong học tập
- tính đến yếu tố chất lượng hoạt động nhóm khi đánh giá mỗi SV
- khuyến khích SV tham gia các hoạt động tập thể trong trường
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- xây dựng đề tài để SV làm việc nhóm
- tổ chức các địa điểm trao đổi giữa SV trong cùng địa phương
- tổ chức trao đổi giữa SV trong các nhóm qua thư điện tử hoặc điện thoại
- lập diễn đàn trên mạng để chia sẻ thông tin giữa các SV
- định kỳ tổ chức thảo luận trực tuyến
Nguyên tắc 3: Khuyến khích các phương pháp học tập tích cực
SV không học được gì nhiều nếu chỉ đến lớp để nghe giảng, ghi nhớ các dạng bài tập để làm các bài kiểm tra. SV cần được trao đổi về những điều được học, viết về chúng, liên hệ chúng với những điều đã biết và áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày. SV cần được sở hữu thật sự những điều họ được dạy.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- giúp SV liên hệ những điều được học với thực tế
- cung cấp những tình huống thực để SV phân tích
- khuyến khích SV đưa ra các đề xuất và hoạt động mới đối với môn học
- xây dựng các bài tập giải quyết vấn đề dựa trên nhóm SV và tổ chức cho SV báo cáo trước lớp
- khuyến khích SV tranh luận với GV, với những SV khác, và có ý kiến về những nội dung trong tài liệu môn học với thái độ đúng mực
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- đa dạng hóa tài liệu học tập môn học để SV có thể có nhiều lựa chọn
- xây dựng diễn đàn trên mạng để trao đổi với SV và giữa các SV với nhau
- tổ chức chia sẻ, giới thiệu các kết quả làm việc tốt của SV trên mạng
- tổ chức các nhóm làm việc qua thư điện tử, điện thoại, hội thảo trực tuyến
Nguyên tắc 4: Cung cấp thông tin phản hồi kịp thời
Sự học đòi hỏi phải biết những gì mình biết lẫn những gì mình chưa biết. SV cần được cung cấp thông tin phản hồi về năng lực của họ trong các khóa học. Khi bắt đầu vào trường, SV cần được đánh giá năng lực đầu vào. Tại lớp học, SV cần được thường xuyên thể hiện năng lực đồng thời nhận được nhiều ý kiến góp ý để không ngừng tiến bộ. Trong suốt thời gian ở trường, cũng như trước lúc ra trường, SV cần có nhiều cơ hội để thể hiện mình, để biết những gì mình còn phải học, và biết cách tự đánh giá năng lực bản thân.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- cho nhận xét vào bài làm của SV, góp ý cách khắc phục lỗi
- thảo luận về kết quả làm bài của SV trước lớp hoặc với từng SV
- sử dụng nhiều phương thức đánh giá khác nhau
- sử dụng các phần mềm đánh giá có cung cấp thông tin phản hồi
- tổ chức các buổi giải đáp thắc mắc đối với môn học
- chấm và trả lại bài kiểm tra kịp thời cho SV
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho SV qua thư điện tử
- sử dụng các phần mềm đánh giá có cung cấp thông tin phản hồi
- thực hiện các bài kiểm tra trước và sau khi kết thúc môn học để giúp SV nhận thấy sự tiến bộ
- tổ chức các buổi giải đáp thắc mắc trực tuyến đối với môn học
- cung cấp lời giải cho các bài kiểm tra sau khi chấm
Nguyên tắc 5: Xem trọng yếu tố thời gian
Học tập yêu cầu thời gian và sự nỗ lực. Không có thời gian thì sự học không thể diễn ra. Sử dụng thời gian một cách hiệu quả là rất quan trọng đối với SV lẫn GV, vì vậy SV cần được hướng dẫn cách sử dụng thời gian tốt nhất cho việc học. Nhà trường cần định ra thời gian hợp lý dành cho SV, GV và cán bộ quản lý để mọi người đều có thể làm việc hiệu quả.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- hướng dẫn SV cách sử dụng thời gian hợp lý
- dành thời gian hợp lý để SV hoàn thành các bài kiểm tra
- trao đổi với SV về những mất mát nếu họ không tham gia lớp học
- tổ chức gặp gỡ những SV không thường xuyên đến lớp để tìm hiểu nguyên nhân
- tránh để mất nhiều thời gian do sử dụng các công nghệ dạy học
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- chú ý quỹ thời gian của các đối tượng SV khác nhau
- xác định khung thời gian và những kết quả cần đạt được cho mỗi bài học
- thiết kế qui trình tham gia buổi học hoặc trao đổi qua mạng sao cho ít tiêu tốn thời gian của SV
- xây dựng qui định về việc SV tham gia học tập hoặc thảo luận qua mạng
Nguyên tắc 6: Kỳ vọng nhiều vào SV
Kỳ vọng cao thường cho kết quả tốt. Mọi người đều muốn được kỳ vọng cao, kể cả những người có năng lực còn hạn chế lẫn những người thông minh. SV sẽ cảm thấy phấn khởi để cố gắng hơn trong học tập nếu họ được GV và nhà trường đặt nhiều kỳ vọng và hỗ trợ họ đạt được những kỳ vọng đó.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- cung cấp cho SV chương trình chi tiết của môn học cùng những yêu cầu về bài kiểm tra, hạn phải nộp và thang điểm
- khuyến khích SV chịu khó học tập và thể hiện năng lực của họ một cách cao nhất
- góp ý cho SV về những mục tiêu học tập họ cần đạt được
- có lời khen kịp thời về những nỗ lực và kết quả tốt từ SV
- định kỳ cải tiến bài giảng theo hướng giúp SV luôn nỗ lực hơn nữa
- tiếp xúc những SV có hạn chế về năng lực để tìm hiểu và có biện pháp hỗ trợ
- lưu ý SV chú trọng vào việc nâng cao tri thức hơn là vào điểm số môn học
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- cung cấp cho SV chương trình chi tiết của môn học cùng những yêu cầu về bài kiểm tra, hạn phải nộp và thang điểm
- xây dựng bài giảng và cho bài kiểm tra phù hợp với các đối tượng SV
- đưa lên diễn đàn trên mạng của lớp các bài làm tốt của SV
- xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho mỗi bài giảng
- tạo điều kiện để SV góp ý về các hoạt động của lớp học
- khuyến khích SV tham gia vào các hoạt động của môn học
Nguyên tắc 7: Tôn trọng sự khác biệt về năng khiếu và cách học
Sự học có thể diễn ra theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau. SV vào trường với những năng khiếu và cách thức học tập không như nhau. Những SV tỏ ra vượt trội tại lớp học lý thuyết có thể lại chậm chạp trong các buổi thực hành và ngược lại. SV cần có cơ hội để phát triển năng khiếu và cách thức học tập riêng của họ đồng thời với việc họ được yêu cầu phát triển thêm các năng lực mới.
Đối với các lớp học truyền thống, GV nên:
- giới thiệu cho SV những cách thức học tập khác nhau và cho phép sự lựa chọn
- sử dụng đa dạng các phương thức giảng dạy và hoạt động học tập
- khuyến khích sự chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm học tập trong SV
- tổ chức các nhóm học tập sao cho SV có thể bổ trợ lẫn nhau
- xây dựng các bài tập tình huống với nhiều lời giải khác nhau
Đối với các lớp học từ xa, GV nên:
- khuyến khích SV đưa ra các quan điểm khác nhau
- xây dựng các hoạt động học tập có tính đa dạng và gắn với thực tế ở các địa phương
- chú ý đến sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của SV khi xây dựng bài giảng và thiết kế các hoạt động, các bài kiểm tra.
*Học giả VEF 2008-09 tại Washington State University, WA, Hoa Kỳ
Nhận xét
Đăng nhận xét